Cần câu trả lời trước khi xây dựng sân bay
Theo Cục Hàng không, hiện cả nước có 22 sân bay đang hoạt động. Trong số này chỉ có sân bay Vân Đồn là do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Và, theo quy hoạch cảng hàng không, sân bay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải xây dựng, Việt Nam sẽ có 31 sân bay, gồm 14 sân bay quốc tế và 17 sân bay nội địa.
Đáng chú ý, gần đây, nhiều tỉnh đề xuất Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ bổ sung quy hoạch cảng hàng không, sân bay.
Ai cũng biết rằng đối với các cảng hàng không mới, cần có căn cứ tính toán hiệu quả kinh tế, với các tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi làm sân bay mới bao gồm: nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới sân bay lân cận).
Việc các tỉnh mong muốn có sân bay cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, phát triển đến đâu, ở nơi nào... thì cần phải tính toán rất kỹ, chứ không chỉ vì muốn “bằng chị bằng em”, “tỉnh bạn có thì tỉnh mình cũng phải có” sân bay; đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế thấp.
Mong ước “tỉnh nhà” phát triển, người dân ấm no và hạnh phúc là chính đáng. Nhưng không thể duy ý chí, khát khao có sân bay thật to, thật hoành tráng mà không tính đến nhu cầu thực tế về phát triển của địa phương mình. Suy cho cùng thì sân bay cũng chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh. Muốn “tỉnh nhà” cất cánh cần rất nhiều yếu tố, điều kiện chứ không chỉ đơn thuần chỉ là có sân bay.
Hãy thử nhìn xem với các hãng hàng không, nhất là hãng tư nhân, họ sẽ không “lơ mơ” với việc mở đường bay tới những nơi ít khách. Đó chính là bài toán kinh tế, cũng là tư duy thực tế phù hợp với thực tiễn, vì rằng như ai đó nói rằng “cơm áo không đùa với... sân bay”. Muốn có một cảng hàng không, phải đổ vào hàng ngàn tỷ đồng nhưng nếu mỗi ngày chỉ vài ba chuyến bay thì vốn sẽ bị “chôn”, thua lỗ sẽ kéo dài, để lại gánh nặng ngân sách cho chính địa phương kéo dài vài chục năm là chuyện thường.
Có thể nêu ví dụ về Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Trước đây, trong đề án xây dựng sân bay, Cần Thơ tham vọng sẽ phục vụ cho hơn 10 triệu người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng cho đến nay, đi vào hoạt động cũng đã lâu (từ đầu năm 2011) nhưng sân bay này vẫn lác đác các chuyến bay, thua lỗ là khó tránh khỏi. Cũng cần nhắc lại, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, có thể coi là thủ phủ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lợi thế là vậy mà sân bay vẫn gặp khó khăn. Huống gì với những tỉnh khác.
Nói như PGS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) thì việc một số sân bay được quy hoạch đặt quá gần nhau đang dẫn đến nguy cơ vắng khách trong tương lai. Ông Tống dẫn chứng, nếu có sân bay Quảng Trị đặt ở Đông Hà cách sân bay Phú Bài (Huế) ở phía nam 92km và cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) ở phía bắc 105km thì việc thu hút về sân bay Quảng Trị từ hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế là không thực tế. Tương tự, Hải Dương cách sân bay Cát Bi (Hải Phòng) 74km ở phía đông và cách sân bay Nội Bài 93km ở phía tây, vậy thì lấy khách đâu ra nếu như xây dựng sân bay.
Còn theo PGS Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng khoa Vận tải kinh tế (Trường Đại học Giao thông vận tải), với cách thức mời gọi đầu tư vào hạ tầng hàng không theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện nay thì khi không đạt hiệu quả ai là người phải gánh chịu?
Đó là câu hỏi rất quan trọng cần câu trả lời khi đang có quá nhiều tỉnh đề nghị được xây dựng sân bay.