Đắk Lắk: Trang trại chăn nuôi quy mô lớn gây ô nhiễm môi trường
Nhiều năm qua, người dân ở thôn Tân Lợi, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) phải sống chung với mùi hôi nồng nặc từ trang trại chăn nuôi heo.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Tân Lợi, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc để tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi heo. Đúng như người dân phản ánh, trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn nằm cách đường liên xã Ea Uy chưa tới 200 m đường chim bay, cách nhà dân chỉ vài chục mét.
Khu vực xử lý chất thải có 3 cái ao lót bạt chứa nước thải từ hầm biogas đen quánh, bốc mùi hôi nồng nặc. Kề bên ao chứa nước thải là hồ nước tưới cà phê của người dân trong vùng. Nước của hồ cũng bị ô nhiễm đen ngòm, những cây bèo tây trên mặt hồ đều bị vàng úa.
Bà Nguyễn Thị Khánh, người dân ở cạnh trang trại chăn nuôi cho biết, mùi hôi từ trang trại bốc lên thường xuyên, có người đang làm vườn rẫy không chịu được bị nôn ói. Nước giếng ăn thời gian gần đây bị đục, không nấu nướng được, bà con phải đi mua nước bình để dùng; những nhà có giếng khoan thì ít bị ảnh hưởng hơn giếng đào.
“Ngày nào tôi cũng phải đóng cửa, mở ra mùi hôi thối không chịu nổi. Khổ nhất là đến bữa ăn cơm, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua là mùi hôi xộc lên mũi khiến tôi phát nôn mửa”, bà Khánh bức xúc.
Ông Phạm Xuân Cảnh, hàng xóm của bà Khánh cho biết, đất làm trang trại nuôi heo trước đây là khu ruộng, sau đó ông Huỳnh Tấn Khánh ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc về đổ đất làm trang trại nuôi heo. Kể từ đó mỗi khi vào mùa mưa nước thải từ trang trại chăn nuôi tràn ra ngập úng làm chết nhiều cà phê của gia đình ông và các hộ dân trong vùng. Nhiều lần họp tiếp xúc cử tri với Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bà con trong thôn đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết.
“Gần đây bà con chúng tôi tiếp tục làm đơn gửi lên UBND xã Ea Uy nhưng đã nửa năm mà vẫn không thấy trả lời. Tôi không hiểu sao các cấp chính quyền lại để cho ông Khánh làm trang trại nuôi heo chỉ cách nhà dân có vài chục mét”, ông Phạm Xuân Cảnh nói.
Cách trang trại nuôi heo khoảng 200 m còn có Chùa Phước Thiện. Ông Phan Mịn, phật tử của chùa cho hay: “Tôi thường xuyên về chùa tụng kinh cầu an. Mỗi lần về đây tôi không thể tĩnh tâm để tập trung tụng kinh được, vừa tụng kinh vừa phải bịt mũi. Tôi mong các cấp chính quyền sớm quan tâm giải quyết giúp bà con chúng tôi có môi trường sống trong lành”, ông Phan Mịn đề nghị.
Lý giải về việc gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Huỳnh Tấn Khánh, chủ trang trại nuôi heo giãi bày: Gia đình ông được cấp trên cấp phép xây dựng trang trại vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng, đi vào hoạt động ổn định khoảng 3 năm nay, hiện chưa trả hết nợ ngân hàng. Hai năm gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên trang trại tạm dừng hoạt động nhưng vẫn trả lương cho 6 lao động nên rất khó khăn. Ông đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải nhưng lượng khí phát sinh nhiều quá, không đốt hết được nên thoát ra môi trường; mùi hôi là mùi khí biogas. Còn nước thải từ hầm biogas chảy ra ông đã cho chứa ở các ao nhỏ có lót bạt nên không thẩm thấu vào đất mà chỉ chảy tràn ra ngoài khi có mưa lớn. Ông dự tính sắp tới sẽ mua thêm đất của người dân để xây bờ kè ngăn không cho nước hầm biogas tràn ra môi trường và trồng đai rừng chắn gió ngăn mùi hôi phát tán…
Làm việc với chính quyền xã Ea Uy về tình trạng trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết: Trang trại trên là của hộ ông Khánh thường trú tại xã Ea Phê (huyện Krông Pắc). Trang trại có quy mô rộng hơn 3 ha, xây dựng năm 2016, nuôi khoảng 350 heo nái. Thỉnh thoảng người dân xung quanh có phản ánh về tình trạng ô nhiễm từ trang trại. Những lần người dân có ý kiến, xã cũng đã tiến hành cho kiểm tra nhưng cấp xã chỉ kiểm tra bằng mắt thường, không đánh giá được tác động môi trường. Mới đây người dân có phản ánh, xã đã cử bộ phận chuyên trách xuống kiểm tra tình hình nhưng chưa thấy báo lại, ông sẽ nắm cụ thể rồi thông tin cho báo chí sau. Ông Bình nói thêm: ông mới làm Chủ tịch xã được 1 năm nên không biết rõ chủ trương cho xây dựng trạng trại, chứ quy mô đầu tư lớn mà đặt quá gần khu dân cư như vậy là không phù hợp.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, quan điểm UBND huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện nhưng các đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về vấn đề trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện chưa nhận đơn phản ánh của người dân cũng như báo cáo của UBND xã Ea Uy về vấn đề này. UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra ngay nội dung trên và xử lý theo quy định của pháp luật.
Người dân thôn Tân Lợi, xã Ea Uy đang mong chờ cơ quan chức năng huyện Krông Pắc sớm kiểm tra thực tế và xử lý theo quy định để bảo đảm môi trường sống cho người dân trong khu vực.