Nghệ sĩ thiếu chuyên nghiệp và ý thức trong hoạt động văn hóa, giải trí

Vân Vân 29/09/2022 09:03

Nghệ sĩ là người thứ 3, nghệ sĩ vi phạm các quy định về hoạt động biểu diễn thậm chí là nhập nhằng công tác tổ chức chương trình... là những sự việc khiến dư luận vô cùng bức xúc thời gian gần đây. Nhìn nhận về tình trạng này, một số người cho rằng gốc rễ trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý.

Nghệ sĩ cũng là công dân

Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay vai trò của người nghệ sĩ càng được khẳng định và chú trọng. Nghệ sĩ giờ đây không chỉ là người thể hiện tài năng trên sân khấu mà còn là một trong những nguồn lực văn hóa quan trọng góp phần xây dựng và phát triển bức tranh toàn cảnh về văn hóa, nghệ thuật.

Hiền Hồ trở lại sau bê bối đời tư, bất chấp sự phản ứng của dư luận.

Đi đầu trong việc định hướng, nghệ sĩ trong bất cứ giai đoạn nào cũng phải ý thức được trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của chính mình. Nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng được công chúng yêu mến lại càng phải giữ gìn tư cách công dân. Bởi đó chính là thước đo phẩm chất đạo đức, nhiệt huyết cống hiến của nghệ sĩ cho xã hội và cũng là tiêu chí mà xã hội dùng để đánh giá tư cách con người của nghệ sĩ.

Thế nhưng, những chuyện lùm xùm của một bộ phận nghệ sĩ thời gian gần đây đã làm công chúng giảm lòng tin vào nghệ sĩ, đó là điều hết sức đáng tiếc. Từ việc nghệ sĩ là người thứ 3 cho đến nghệ sĩ không nắm rõ quy định càng khiến dư luận thêm bức xúc.

Dù là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng Tuấn Hưng lại vi phạm quy định về hoạt động biểu diễn.

Giới showbiz thời hiện tại với muôn màu sắc, bên cạnh sự hào nhoáng bao người ao ước, showbiz cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái. Những biệt thự, xe sang, hàng hiệu… cùng sự cổ xúy, đánh bóng tên tuổi dễ khiến nghệ sĩ ảo tưởng và ngộ nhận vị trí của mình. Cũng từ đây mà nhiều nghệ sĩ bất chấp các quy định, pháp luật để ngang nhiên thỏa mãn cảm xúc cá nhân.

Làm nghệ thuật đòi hỏi phải sáng tạo, phản ánh thực tế cuộc sống, tuy nhiên các nghệ sĩ và êkíp cần phải trang bị kiến thức, cân nhắc đến nhiều yếu tố văn hoá, sự thể hiện, bối cảnh, trang phục… sao cho không vượt quá lằn ranh phản cảm.

Tháng 6 vừa qua, đơn vị tổ chức Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 đã bị Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng phạt 20 triệu đồng do hành vi tổ chức cuộc thi không đúng với đề án được cấp phép, có sự thay đổi về Ban Giám khảo, Ban Tổ chức nhưng không thông báo đến cơ quan chức năng.

Đặt trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ đang áp đảo, những quy định kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước đã không còn ở thể chủ động. Các quy trình đã phải đi sau “hậu kiểm”, nên việc tràn lan các “rác văn hoá” trên không gian mạng đã từng được truyền thông lên tiếng báo động.

Vai trò của cơ quan quản lý

Những lùm xùm trong giới showbiz thời gian qua làm ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của người nghệ sĩ và tâm lý của công chúng. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng đối với xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nhận thức về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt là trách nhiệm khi thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ với các địa phương còn hạn chế.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ VHTTDL siết chặt hơn những quy định nhằm hạn chế việc nghệ sĩ thiếu chuyên nghiệp và ý thức trong hoạt động văn hóa – giải trí.

Trong chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL, Bộ VHTTDL cũng yêu cầu quản lý chặt các cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Ảnh: minh họa.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quán triệt, nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý nhà nước trong toàn cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt hệ thống pháp luật về quản lý chuyên ngành. Đồng thời chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi tình hình, xử lý tình huống, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trước đó, nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2021 thay thế hai Nghị định nghệ thuật biểu diễn trước đó (NĐ 79/2012 và NĐ 15/2016) tuy nhiên bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ VHTTDL đang hoàn thiện dự thảo “Chương trình phối hợp về quản lý một số hoạt động”. Theo lộ trình đến năm 2025, Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện Luật Nghệ thuật biểu diễn. Bộ luật mới sẽ siết chặt hơn các quy định nhằm hạn chế tối đa tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hóa, giải trí.

Vân Vân