Quảng Nam: Cơn bão số 4 khiến nhiều tuyến đường miền núi bị sạt lở
Cơn bão số 4 đổ bộ vào rạng sáng 28/9 kèm theo mưa lớn khiến nhiều tuyến đường miền núi của tỉnh Quảng Nam bị sạt lở hư hỏng. Hiện tại chính quyền địa phương tập trung nỗ lực khắc phục đảm bảo an toàn giao thông.
Sáng 29/9, ông Trần Văn Ta, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thôn C’toonh, xã Avương nước đã rút xuống vào chiều 28/9 nên phương tiện có thể lưu thông đi lại được.
Theo ông Ta, hiện tại tuyến đường ĐT 606 có 5 điểm sạt lở gây chia cắt giao thông hoàn toàn. Các tuyến đường ĐH như: ĐH 2 (từ Atiêng - cầu treo xã Dang) có 5 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; ĐH 3 (từ Atép I - Achiinh) có 3 điểm sạt lở và đường dẫn hai bên cầu Z’rượt bị lũ cuốn trôi; ĐH 4 (từ xã Axan -Gari - Ch’ơm) có 8 điểm sạt lở.
“Cầu Z’rượt, xã Anông bị sạt lở chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị thi công rào chắn không cho người qua lại. Hiện nay đang khắc phục đường dẫn hai bên mố cầu để phục vụ đi lại cho nhân dân. Còn các tuyến ĐH đơn vị đang khẩn trương thông tuyến. Ngoài ra, tuyến đường xã và giao thông nông thôn (GTNT), khu sản xuất trên địa bàn huyện đều xảy ra sạt lở đất đá, đổ ngã cây cối nên đã vận động nhân dân ra quân thông tuyến tạm thời phục vụ đi lại bằng xe máy", ông Trần Văn Ta thông tin.
Tại các vị trí sạt lở, ngập sâu, cầu cống bị cuốn trôi, chính quyền địa phương đều cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết hạn chế đi lại để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Cơn bão số 4 làm 12 nhà trên tuyến đường số 1, xã Atiêng bị ngập nước từ 50 - 180 cm, 21 nhà tốc mái và 14 nhà bị ảnh hưởng sạt lở. Hiện tại toàn huyện Tây Giang bị cúp điện và 4 ha lúa nước bị ngập úng, đổ ngã tại xã Dang.
Trong khi đó, tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng cơn bão số 4 gây ra mưa lớn làm nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, cây cối ngã đổ, ngập lụt ở một số khu vực, mất điện toàn bộ huyện.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, mưa lớn từ nhiều ngày qua khiến một số tuyến đường bị hư hỏng nặng, nhất là tuyến quốc lộ 14D, đoạn từ Bến Giằng lên cửa khẩu Nam Giang.
Theo ông Chương, các tuyến đường hư hỏng chủ yếu do sạt lở đất và lũ xối. Tại nhiều vị trí, đất đá từ taluy dương sạt xuống chắn ngang đường khiến các phương tiện không thể lưu thông.
“Chúng tôi đã triển khai các bước khắc phục tạm thời, tuy nhiên các điểm sạt lở khá nhiều, có đoạn đứt gãy với khối lượng đất đá lớn, khiến việc khắc phục gặp nhiều khó khăn”, ông Chương thông tin.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nam Giang, mưa lũ khiến trên tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Bến Giằng đến thôn Pà Dá, xã Cà Dy) bị sạt lở tại 11 điểm, trong đó có 4 điểm sạt lở nặng, ước hàng nghìn khối đất đá tràn xuống lòng đường. Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã cũng bị sạt lở nhiều điểm; đặc biệt tuyến ĐH3 (thuộc thôn 49A, xã Đắc Pring) và tuyến đường bê tông đi vào khu vực sản xuất của thôn 58 (xã Đắc Pre) bị đứt gãy hoàn toàn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ ngày 28 đến sáng 29/9, người dân và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang tích cực khắc phục hậu quả do bão số 4 để lại. Ngoài ra, lực lượng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cũng đã huy động, cán bộ, chiến sĩ ra quân hỗ trợ người dân ở vùng ven biển và khu vực miền núi sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp bùn đất, cây cối ngã đổ để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, toàn bộ lực lượng của BĐBP tỉnh thường trực 100%, để tập trung ưu tiên giúp dân khắc phục hậu quả. Sau khi bão tan, tất cả các đơn vị tăng cường lực lượng xuống các địa bàn ven biển, khu vực sạt lở ở các xã miền núi để hỗ trợ, giúp dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Không chỉ những ngày trước và sau bão, mà những ngày tới lực lượng BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ dân”, Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.
Theo Đại tá Mẫn, hiện nay trên các tuyến biên giới mưa lũ đổ về, một số điểm sạt lở gây tắc đường, lực lượng BĐBP tỉnh cũng tập trung đơn vị để hỗ trợ, sớm thông tuyến. Ngoài ra, đề nghị đơn vị tiếp tục bám nắm địa bàn, khẩn trương tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ triển khai kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, nhất là các gia đình bị thiệt hại nặng sau bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có công văn gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về công tác tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và ứng phó mưa lũ.
Cụ thể, tiếp tục rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn trên các sông, suối.
Công ty Điện lực Quảng Nam khẩn trương khôi phục nhanh các đường dây, trạm biến áp bị hư hỏng, trong đó ưu tiên cấp điện dự phòng cho các Trung tâm huyện, bảo đảm nguồn điện phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân;…