Họa sĩ Lê Anh Thanh: Đi để có cái nhìn xa và cao hơn
Liên tục những chuyến đi thực tế, rời xa phố thị ồn ào, họa sĩ Lê Anh Thanh (hiện đang sống và làm việc tại TPHCM), tìm về những vùng quê yên tĩnh, chìm đắm trong không gian của cỏ cây, sông nước, tìm vẻ đẹp từ những gì nhỏ bé nhất từ thiên nhiên.
Để từ đó, anh kết nối với ký ức quê hương, vẽ những bức tranh theo phương pháp tả thực. Qua tranh của họa sĩ Lê Anh Thanh, người xem thêm yêu quê hương, đất nước và sự giản dị quanh mình.
Với một họa sĩ vẽ phong cảnh và luôn muốn tìm về ký ức tuổi thơ, để có được các tác phẩm sống động chân thực, thì các chuyến đi thực tế với họa sĩ Lê Anh Thanh là không thể thiếu.
Anh thường xuyên có những chuyến đi như thế và điểm đến thường là các vùng quê còn nhiều những nét hoang sơ, thuần nông. Những nơi ấy thường gợi lên trong anh những hoài niệm ký ức, bắt gặp lại chính mình đang là trẻ mục đồng trên bãi bờ chăn thả, đang nô giỡn cùng chúng bạn dưới gốc đa đầu làng… dưới trời nắng chan vàng khắp xóm.
Trong các chuyến đi ấy thường có thêm những đồng nghiệp, nhất là người sống ở địa phương, họ có thể đưa anh đi mọi ngóc ngách và cùng nhau trực họa, đó là một trải nghiệm thăng hoa của các họa sĩ để tìm cảm xúc. “Với tôi là một họa sĩ hiện thực, trực họa như là một cách ghi nhớ và phác thảo”, họa sĩ Lê Anh Thanh nói. “Công việc sau đó là về xưởng vẽ, xây dựng lại, tạo không gian, thời gian, hoạt cảnh để khi hoàn tất tác phẩm, người xem tranh như được sống lại trong những ngày xa xưa yên bình.”
Mỗi lần chuẩn bị cho một tác phẩm, đứng trước tấm toan trắng trên giá, Lê Anh Thanh thường đắn đo nhiều, nhưng đến khi vào mạch rồi thì cảm xúc cứ thế tuôn ra để sau đó tâm thái trở nên thanh thản nhẹ nhàng:
“Có ai đó từng nói: Hoài niệm là một cảm xúc, đôi khi là một tình trạng bệnh lý liên quan đến sự khao khát những gì thuộc về quá khứ và thường là lý tưởng hóa những điều đó. Với tôi, đó là sự luyến tiếc quá khứ, lòng nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà, nhớ người...
Giữa thành phố ồn ào đông đúc với cuộc sống bon chen bỗng dưng ta bắt gặp một hình ảnh dẫn dụ ta về quá khứ, một ngôi nhà nào đó tường rêu cũ kỹ, ẩm ướt, của ông bà hay của một người hàng xóm mà ta thường đi qua hoặc đã từng ghé tới. Nhớ về trò chơi ú tim của những cô bé, cậu bé, khi đã nô giỡn mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi khát khô cổ họng bèn chạy tới cái bể nước lọc phèn, dùng cái gáo dừa vộc vào đó rồi tu ừng ực mà chẳng hề đắn đo.
Những trưa hè hào sảng chan đầy nắng trên những đường làng ngõ xóm, trong những khoảnh sân vắng lặng, chỉ còn tiếng gà trưa quang quác hòa trong bản nhạc râm ran của lũ ve sầu trên ngọn cây. Còn bọn trẻ thì đã tụ họp ở một gốc cây hay một góc vườn mát rượi nào đó với đủ trò nghịch ngợm tuổi thơ.
Đầu chiều, ta lại rong trâu ra bãi, khi trâu đã mải mê với bãi cỏ, cả đám hùa nhau ù xuống lòng sông nô giỡn thoả thuê. Hay tìm một lòng mương góc ruộng, be bờ đắp đất, ngửa chiếc mũ kè tát cạn vũng nước. Đòng đong cân cấn lưng giỏ chiều về mẹ lại có nồi cá kho nghệ đậm đà lùa cơm mãi không no…”.
Lê Anh Thanh là một họa sĩ thiên về hoài niệm. Trong anh luôn là nuối tiếc những không gian xưa cũ, những ngôi nhà nhỏ mát rượi đầy ắp kỷ niệm nằm trong những khu vườn rau, có cá dưới ao, gà trong chuồng, có khách tới hầu như mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ còn sai thằng nhỏ xách chai ra bà hàng xén đầu làng đong đầy rồi nút lá chuối là ấm lòng người bạn thời tiểu học.
Anh thường tiếc nuối những góc làng rợp bóng cây, trưa hè trốn ngủ rủ nhau ra rình chim, thi thố những trò tinh nghịch của trẻ con rồi về chịu những trận đòn roi răn đe mà lại quên ngay buổi trưa hôm sau…Tiếc nuối những triền đê đầy nắng và gió với những cô những cậu bé cùng làng nô giỡn đến mệt nhoài vẫn ù té xuống dòng sông quê mát rượi để rồi tối về cái đầu nóng hôi hổi báo hại mẹ lại lo lắng giặt khăn ướt đắp lên trán rồi ngồi ca cẩm. Giờ đây, khi đã đủ lớn khôn, họa sĩ Lê Anh Thanh vẫn mong được khờ dại quay lại tuổi thơ để được nô giỡn mà không phải bận tâm tới cuộc sống.
Các tác phẩm của Lê Anh Thanh, khi giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, được mọi người đón nhận một cách chân thành: “Có lẽ nhờ vào cách làm việc nghiêm túc của tôi nên đã chạm được vào cảm xúc của họ. Có nhiều nhà sưu tập quan tâm và họ chọn ngay khi màu còn chưa khô. Đó cũng là động lực và nguồn kinh phí trang trải cho cuộc sống cũng như lộ phí cho tôi trong các chuyến đi thực tế để tìm cảm hứng mới cho các tác phẩm sau”.
Với Lê Anh Thanh, cuộc sống là một cuộc chạy đua, những rào cản và đầy thách thức… nhưng đó cũng là sự khao khát. Không chọn đứng im tại một chỗ, anh chọn sống di chuyển, đi sẽ đến. Tìm cho bản thân một vị trí để có được cái nhìn bao quát, xa hơn, và cao hơn. Đã đề ra mục tiêu dài hơi trong loạt tranh “Ký ức quê hương”, họa sĩ Lê Anh Thanh có nhiều dự định và hoài bão để tiếp tục xây dựng thêm những chủ đề phong phú với muôn vàn hoài niệm, mỗi hình ảnh sẽ là một câu chuyện đối với mỗi người.