Trung thực kê khai
Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022; thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chọn ra 7 đơn vị để xác minh, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Lần này, Thanh tra Chính phủ sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ, công chức có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên tại 7 bộ, ngành; trong đó có 8 người ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 người ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, 5 người ở Bộ Xây dựng; các đơn vị còn lại mỗi nơi 3 người.
Được biết, thanh tra sẽ tập trung xác minh 2 nội dung là tính trung thực, rõ ràng, đầy đủ của bản kê khai; và tính trung thực trong bản giải trình về nguồn gốc của tài sản thu nhập tăng thêm. Danh sách người được xác minh sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm.
Việc bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 nhằm kiểm tra tính trung thực và ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Thời gian qua, việc này đã được một số bộ, ngành, địa phương triển khai theo quy định. Theo ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), đơn vị chủ trì xây dựng quy định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập - việc xác minh là quá trình xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Việc xác minh tài sản, thu nhập hằng năm được tiến hành trong nhiều trường hợp, như có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên mà người kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; có tố cáo về việc kê khai không trung thực từ yêu cầu hoặc kiến nghị của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền... Với việc bốc thăm dựa trên ngẫu nhiên thì không có căn cứ, dấu hiệu cụ thể để tạo công bằng với mọi cán bộ, công chức. “Bốc thăm ngẫu nhiên nhằm nhắc nhở, cảnh báo cho tất cả người kê khai tài sản dù có che giấu kỹ, khôn khéo đến đâu thì bất kỳ lúc nào cũng có thể nằm trong diện bị xác minh. Do đó người kê khai phải trách nhiệm, trung thực” - ông Minh nói.
Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) và Nghị định số 130/2020 của Chính phủ quy định nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực có thể bị cảnh cáo chứ không ở mức khiển trách. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch...
Thời gian qua, việc kê khai tài sản, thu nhập cũng đã được tiến hành, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng đây đó vẫn còn mang tính hình thức. Để việc này được thực hiện nghiêm túc thì cần phải thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp không trung thực trong kê khai. Điều đó buộc người kê khai phải trung thực, không gian dối. Trong trường hợp bị phát hiện kê khai gian dối cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định, từ đó mới có tính răn đe.
Cùng đó, việc giám sát công tác xác minh đối với kê khai tài sản, thu nhập cũng cần được chú trọng, để cho công việc hoàn toàn minh bạch, rõ ràng, công tâm, không thiên vị và càng không thể “bắt tay” che giấu cho sai phạm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân là hạt nhân phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Tuy nhiên vẫn đang còn “lỗ hổng để quan tham lách luật”. Vì thế bà Báo cho rằng cùng với việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, cần xây dựng cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có chức quyền và người thân của họ, kể cả cha mẹ, họ hàng để tránh việc tẩu tán tài sản.
Thực tế cho thấy, không ít cán bộ, đảng viên có chức có quyền sở hữu những khối tài sản lớn mà thu nhập từ công việc của họ không thể nào có được. Trong quá trình xác minh tài sản, nếu người được xác minh không giải thích được nguồn gốc những tài sản đó thì cơ quan chức năng cũng cần tiến hành các bước tiếp theo, để làm rõ. Đây cũng là một bước để đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có tâm, có tầm, xứng đáng là công bộc của nhân dân.