Giám sát phải thực chất
Đã nhiều lần lãnh đạo UBND và HĐND TP Hồ Chí Minh phê bình các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, quận, huyện vắng mặt nhiều lần tại các cuộc họp giám sát quan trọng của thành phố, làm ảnh hưởng đến chất lượng giám sát, phản biện xã hội.
Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM tại các sở, ngành về thực hiện Nghị quyết 52 về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM vào ngày 15/9 đã xảy ra sự việc rất tắc trách.
Theo ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND TPHCM, dù đã lên lịch giám sát tại các Sở Xây dựng, Văn hóa - Thể thao, Quy hoạch - Kiến trúc, Du lịch và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố. Thế nhưng, đến ngày giám sát thì chỉ có đại diện Sở Xây dựng cử Phó Giám đốc đến dự. Trong khi đó, các sở còn lại và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chỉ cử chuyên viên và lãnh đạo cấp phòng đến để báo cáo. HĐND TPHCM buộc phải thay đổi nội dung, đối tượng giám sát vì các sở, ngành cử không đúng cán bộ chuyên môn dự họp.
Theo đại diện HĐND TPHCM, khi các sở, ngành là đơn vị được giám sát thì bắt buộc phải cử lãnh đạo đến dự và báo cáo nội dung giám sát. Không chỉ phải thay đổi nội dung, đối tượng giám sát, HĐND TPHCM còn phải bố trí lại lịch để giám sát các sở, ngành còn lại, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giám sát của thành phố.
Điều đáng nói, đây không chỉ là lần đầu các cơ quan, đơn vị được giám sát không “mặn mà” với công tác giám sát. Vào tháng 4/2022, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM cũng đã phải hủy buổi giám sát đối với các Sở Tài chính, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) do một số sở không cử lãnh đạo dự để báo cáo. Ngoài ra, một số sở có lãnh đạo đến dự nhưng lại chưa có báo cáo chính thức.
Đáng chú ý, báo cáo ban đầu của đại diện Sở LĐTBXH TPHCM chỉ là dự thảo, chưa chính thức, chưa có chữ ký và đóng dấu của lãnh đạo sở. Trước đó, sự việc tương tự cũng xảy ra vào ngày 30/3 khi HĐND TPHCM buộc phải dời lại lịch giám sát tại UBND TP Thủ Đức và quận Gò Vấp sang ngày đầu tháng 4/2022 do cả 2 địa phương này đều chưa chuẩn bị báo cáo chính thức để trình đoàn giám sát.
Trước tình trạng một số sở, ngành, quận, huyện đối phó hoặc thiếu nghiêm túc với công tác giám sát, HĐND TPHCM đã nhiều lần phê bình, nhắc nhở, trong khi UBND thành phố cũng đã điểm mặt chỉ tên công khai một số đơn vị, quận, huyện. Không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Chủ tịch UBND một số quận, huyện gồm quận 3, Tân Phú; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè mới đây cũng bị phê bình do chưa tập trung, quyết liệt trong xử lý và phản hồi, kiến nghị người dân và doanh nghiệp. Các đơn vị cũng được yêu cầu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Thiết nghĩ, việc quan tâm, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước khối sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức, từ đó xây dựng báo cáo trình các cơ quan giám sát như HĐND, Ủy ban MTTQ TPHCM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội. Quá trình này phải thực chất, hiệu quả để đảm bảo minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong bộ máy Nhà nước ở từng địa phương.