Cục Đường sắt nói gì trước kiến nghị của người dân phố cà phê đường tàu?
Để đảm bảo TTATGT đường sắt trên địa bàn, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các hành vi vi phạm TTATGT đường sắt.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Từ ngày 14/9 đến nay, chính quyền Hà Nội đã tổ chức ngăn chặn, giải tỏa tụ điểm “phố đường tàu” thực hiện an toàn giao thông đường sắt tại khu vực các phường Điện Biên (quận Ba Đình), Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) bằng các biện pháp: Cử bảo vệ, dân quân tự vệ, trực chốt ngăn chặn không cho du khách lên đường tàu, đồng thời tuyên truyền, cắm biển cảnh báo bằng tiếng Anh - Việt để du khách nắm bắt thông tin; nhắc nhở, đôn đốc các hộ dân kinh doanh bảo đảm TTATGT đường sắt.
Theo đó, Cục Đường sắt khẳng định quan điểm nhất quán với chỉ đạo của Bộ GTVT tại Công văn số 9337/BGTVT-ATGT ngày 3/10/2019 về việc khẩn trương xử lý vi phạm TTATGT đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các hành vi vi phạm TTATGT đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt (Điều 48) và quy định pháp luật khác liên quan; Thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh trên đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng.
Theo Cục Đường sắt, riêng đối với khu vực chắn Trần Phú, thời gian qua, Cục đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đồng thời có nhiều văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý, giải tỏa các vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm TTATGT đường sắt khu vực này lại tái diễn từ tháng 4/2022.
Theo đó, để đảm bảo TTATGT đường sắt trên địa bàn, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các hành vi vi phạm TTATGT đường sắt; Tổ chức thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt; Treo các biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm” bằng các ngôn ngữ tại đầu các đường ngang Trần Phú, Nguyễn Thái học, Điện Biên Phủ để cảnh báo, ngăn chặn du khách đi vào các khu vực.
Lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền
Trước các biện pháp ngăn chặn, giải tỏa của địa phương, các hộ dân khu vực này đã gửi đơn kiến nghị cho phép kinh doanh và đề xuất các giải pháp về đảm bảo an toàn.
Cụ thể, các hộ dân đề xuất giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức như: Phát tờ rơi hướng dẫn an toàn bằng tiếng Việt, Anh, Pháp… cho người dân, du khách; Ký cam kết giữa chính quyền địa phương và các hộ dân về đảm bảo TTATGT đường sắt; tăng cường truyền thông đến người dân, khách du lịch về nguy cơ mất an toàn; cung cấp thông tin giờ tàu cho người dân...
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, cơ quan này đã làm việc với các cơ quan liên quan về kiến nghị của tập thể cư dân xóm đường tàu và các quy định pháp luật liên quan TTATGT đường sắt.
Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị chính quyền địa phương chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền ATGT, ký cam kết bảo đảm TTATGT đường sắt, cung cấp thông tin giờ tàu qua lại khu vực cho người dân.
Theo Cục Đường sắt, đây là giải pháp thường xuyên, liên tục để đảm bảo ATGT theo quy định của Luật Đường sắt 2017 và Nghị định số 65/2018/NĐ-CP. Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị Thanh tra đường sắt khu vực tăng cường phối hợp kiểm tra, gắn với tuyên truyền, vận động đôn đốc, nhắc nhở và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Đối với đề xuất tăng cường tín hiệu cảnh báo tàu đến như: Đèn tín hiệu dọc tuyến nhà dân cảnh báo sớm bằng chuông, bảng điện tử hiển thị giờ tàu, Cục Đường sắt Việt Nam không đồng ý. Theo Cục Đường sắt, do địa hình tại đây hạn chế, sẽ ảnh hưởng quan sát của lái tàu; mặt khác hệ thống tín hiệu cảnh báo này gây nhiễu loạn với tín hiệu đường sắt.
Với việc giảm tốc độ chạy tàu, đóng chắn sớm để hạn chế khách vào khu vực xóm đường tàu, Cục sẽ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, rà soát, chỉ đạo đơn vị trực thuộc xem xét điều chỉnh phù hợp trên nguyên tắc không để ùn tắc giao thông.
Về giải pháp tăng cường nhân sự du lịch chuyên nghiệp và tự vệ phường, Cục Đường sắt đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý giải quyết, trả lời kiến nghị của người dân.