Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai các giải pháp phù hợp, từng bước hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới có hơn 94% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã từng bước cụ thể hóa và vận dụng tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS. Để thực hiện tốt việc này, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chú trọng, từng bước cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt các chính sách, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương. Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Đào Văn Mái cho biết, để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các đề án, dự án trong chính sách dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn cũng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, tạo bứt phá để địa phương đi lên.
Thời gian qua, huyện Hà Quảng đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng cao. Ông Triệu Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Quảng cho biết, để giúp đồng bào DTTS cải thiện đời sống, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực vận động, tuyên truyền để đồng bào tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hóa. Điều đáng chú ý là việc đẩy mạnh công tác khuyến nông về vùng đồng bào DTTS của địa phương đã giúp cho bà con tiếp cận được với các kỹ thuật trong trồng trọt để tăng năng suất, tăng thu nhập.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Riêu Văn Toàn cho biết, đến nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào do các cấp phát động, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, từ đó chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Việc triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà cho kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện vươn lên phát triển.
Không riêng huyện Hà Quảng, những năm qua, huyện Bảo Lâm cũng thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS. Từ đó, giúp cho đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc. Huyện Bảo Lâm có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 70%, cao hơn trung bình của tỉnh, trước thực tế đó, huyện đã tập trung thực hiện các chính sách dân tộc như: Chương trình 135, Quyết định số 167, Nghị quyết 30a, các chính sách hỗ trợ học sinh đi học, chính sách an sinh xã hội… Ông Mã Gia Hãnh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi khác phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Qua đó, giúp cho địa phương từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày càng phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp để đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, mốc giới và chung tay xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.