Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

LÊ ANH 01/10/2022 07:00

Không thể phủ nhận một thực tế văn hóa đọc đang chịu ảnh hưởng của sự phát triển rất nhanh của các mạng xã hội, thư viện số, ứng dụng sách nói hay các thông tin được tích hợp trên không gian số hóa. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là xu hướng tất yếu và vấn đề là cần xây dựng một môi trường phù hợp để nuôi dưỡng văn hóa đọc truyền thống trong kỷ nguyên số.

Người dân tìm sách tại không gian Đường sách TPHCM trên đường Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM).

Nhiều thay đổi thói quen đọc sách

Duy trì thường xuyên thói quen đọc sách từ thời học phổ thông, chị Bùi Thị Hiền, cựu giáo viên trường quốc tế CAE Leaders (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết, chị đã phải thay đổi một số thói quen đọc sách do thay đổi điều kiện làm việc toàn thời gian (full times) tại cơ sở trường học từ năm 2008 đến nay.

“Trước đây, mỗi tuần tôi thường có thói quen đến nhà sách để tìm mua một cuốn sách yêu thích. Việc đọc ngấu nghiến một cuốn sách đã được tôi duy trì thường xuyên cho đến khi rời giảng đường đại học. Thế nhưng, công việc hiện tại đã buộc tôi phải tìm kiếm đến App sách nói - Fonos để vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến thời gian cho công việc, vừa duy trì được thói quen đọc sách của mình” - chị Hiền cho biết.

Cũng như chị Hiền, chị Trương Thị Tú (21 tuổi, sinh viên khoa Thư viện - Thông tin học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) chia sẻ một thực tế tại môi trường đại học, các giáo viên đã sử dụng nhiều hơn phần mềm sách nói hoặc hướng dẫn sinh viên tra cứu bằng thư viện điện tử trước khi tiếp cận trực tiếp các đầu sách tại thư viện truyền thống của trường.

Theo sinh viên này, cách lựa chọn tính năng “google search” giúp sinh viên tìm được đúng tài liệu cần đọc tham khảo và cũng giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm tại thư viện của trường.

Tại tọa đàm với chủ đề “Thay đổi thói quen đọc sách” mới đây, ông Bùi Xuân Đức- Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM cũng chia sẻ, kỷ nguyên số đang thay đổi cách nhìn về văn hóa đọc. Ông Đức cho biết, thế hệ của ông vào thời đầu những năm 1980, khi đó phương tiện nghe nhìn hầu như còn hiếm nên giới trẻ tìm đến đọc sách như một cách để học tập và nghiên cứu, nhưng chủ yếu khi ấy là các sách lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay nhu cầu và cách thức đọc sách cũng đã khác nên bản thân các thư viện truyền thống cũng cố gắng tạo ra các không gian đọc phù hợp hơn. Tại Thư viện Khoa học Tổng hợp hiện nay ngoài không gian tra cứu và đọc sách truyền thống còn có các không gian vui chơi cho trẻ em và không gian đa phương tiện để bạn đọc tiếp cận với thư viện điện tử, sách nói, sách điện tử.

Không thể phủ nhận các tiện ích rất lớn của sách điện tử như có thể đọc mọi nơi, mọi lúc thông qua một máy tính, laptop sách tay hoặc các thiết bị điện thoại, ipad thông minh mà không cần trực tiếp đến thư viện. ThS Văn hóa học Nguyễn Công Hoài Lương chia sẻ, ông đã sử dụng laptop để tra cứu sách tại các thư viện tại TPHCM từ 5 năm gần đây, kể từ khi một số thư viện của thành phố tích hợp thêm tính năng tra cứu sách điện tử trên nền tảng web.

“Việc này rất tiện dụng và tôi đã có thể triển khai các đề tài nghiên cứu của mình hiệu quả bằng việc tiếp cận trực tiếp với các tài liệu uy tín được tích hợp trên thư viện số đó”- nhà nghiên cứu này chia sẻ.

Chuyển đổi số văn hóa đọc

Sự phát triển của kỷ nguyên số đã đặt văn hóa đọc vào thời kỳ chuyển đổi số và tích hợp đa phương tiện để thích nghi với điều kiện môi trường xã hội hiện đại và nhu cầu đọc thay đổi của người đọc. Mới đây, khi tổ chức triển khai các không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn, Sở Văn hóa và thể thao TPHCM đã tổ chức đan xen giữa trưng bày và triển lãm, bên cạnh không gian trải nghiệm dạy và học của ông đồ xưa là không gian xe thư viện lưu động rất hiệu quả trong việc đưa sách và các thiết bị sách nói, sách đọc, giới thiệu các mô hình thư viện số (thiết kế như quyển sách 3D) có thể lắp đặt nhanh chóng cho những địa điểm công cộng,…

Ngoài ra, tại các chuỗi sự kiện ngày sách TP HCM, các tọa đàm, hội thảo chủ đề về văn hóa đọc và chuyển đổi số được tổ chức bằng hình thức trải nghiệm các mô hình sách nói, sách điện tử gắn với trí tuệ nhân tạo và ứng dụng thư viện sách nói, công cụ biên tập bằng giọng nói,...đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, nhất là giới trẻ. Theo PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, dù trong kỷ nguyên số nhưng nếu biết cách chuyển đổi số phù hợp thì văn học đọc vẫn sẽ mãi trường tồn và còn sức sống mãnh liệt. “Việc xây dựng thói quen đọc sách sau đó hình thành văn hóa đọc sách là điều rất quan trọng, nhất là đối với giới trẻ”- bà Thúy chia sẻ.

Văn hóa đọc chưa tiếp cận hiệu quả đến cộng đồng

Theo nghiên cứu được thống kê bởi Cục Xuất bản, in và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 3 năm gần đây Việt Nam đã xuất bản bình quân trên 400 triệu bản sách/năm, do đó tính trung bình mỗi người dân được tiếp cận khoảng 4 đầu sách/người/năm. Đây là con số rất khiêm tốn và cho thấy người dân vẫn còn chưa được tiếp cận toàn diện với văn hóa đọc. Trong một nghiên cứu khác, Việt Nam cũng không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Trung bình ở các quốc gia cùng khu vực, mỗi người dân tiếp cận từ 15-20 cuốn sách hàng năm trở lên.

LÊ ANH