Nâng cao vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang chiếm một phần quan trọng trong GDP, vốn và lực lượng lao động. Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm đối với khu vực DNNN là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt.
Cơ chế quản trị chậm đổi mới
Việt Nam hiện có khoảng gần 700 DNNN, đóng góp hơn 29% GDP của đất nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực DN). Nhìn chung DNNN vẫ̃n đang chiếm một phần quan trọng trong GDP, vốn và lực lượng lao động vậy nhưng hiệu quả sản xuất - kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; vẫn còn tình trạng một số DN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân được xác định là do cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Điều này dẫn đến các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.
Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, thực tế cho thấy trong 22 năm gần đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực DN Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, công nghiệp 4.0...
Ông Hùng cũng cho biết thêm, các DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới trong giai đoạn này hầu hết là các DN lớn, còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, sở hữu nhiều đất đai nên việc triển khai kéo dài. Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DNNN còn hạn chế; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về DNNN còn bất cập, chưa kịp thời thay đổi cơ chế, chính sách nhằm gỡ bỏ rào cản hành chính, khuyến khích DN chủ động đầu tư mở rộng kinh doanh, đổi mới sáng tạo.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tại Việt Nam, khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN đã được hình thành và đang từng bước hoàn thiện. Khung khổ pháp lý và quy định về quản trị công ty phát triển với tốc độ nhanh trong thập kỷ vừa qua.
Các luật chính điều chỉnh hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam là Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019 đặt ra các yêu cầu quản trị công ty áp dụng cho công ty niêm yết và công ty đại chúng. Luật Kế toán năm 2015 và Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 đặt ra khuôn khổ pháp lý về báo cáo tài chính, kế toán và kiểm toán trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam. Ngoài ra, các luật khác (Luật Đầu tư năm 2005, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010) giúp củng cố hơn nữa khuôn khổ quản trị công ty. Các DNNN cũng phải tuân thủ luật chống tham nhũng, phá sản, thương mại, cạnh tranh, xây dựng, lao động, đấu thầu và thuế.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã đưa các thông lệ kinh doanh ở Việt Nam gần hơn với các thông lệ tốt của quốc tế. Đối với những DN có sở hữu vốn của Nhà nước, mặc dù đã tham gia “sân chơi chung” của Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước, hiện còn có Luật điều chỉnh về vấn đề quản trị DN cho đối tượng này là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Có thể thấy, mặc dù khung khổ pháp lý về quản trị công ty của DNNN đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm qua, song khuôn khổ quản lý vẫn tập trung nhiều vào khuôn khổ quản lý vốn nhà nước và chỉ cho đến gần đây, các quy định này mới chú trọng đến việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực nhà nước. Khung khổ pháp lý hiện hành coi DNNN là công cụ điều tiết nền kinh tế và chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN.
Với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế theo định hướng và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 trong thời gian tới đang tạo cơ hội cho việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị DN; hướng tới áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị DN trong điều kiện thực tế ở Việt Nam; cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư; tăng cường bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu, nhà đầu tư và bên có liên quan; đồng thời vẫn phải đảm bảo việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Hồ Sỹ Hùng, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm đối với khu vực DNNN là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.