Giữ chân nhà khoa học trẻ: Cần các chính sách đồng bộ
Tập trung phát triển lực lượng đội ngũ khoa học nói chung và đội ngũ nhà khoa học trẻ nói riêng là một nhiệm vụ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Song song với đó là làm sao để thu hút và “giữ chân” được đội ngũ này là câu hỏi đang được đặt ra.
Bài toán thu nhập
Theo PGS.TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, từ năm 2019 TPHCM đã có quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng, đặc biệt đối với lĩnh vực TP có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2020. Trong 5 năm thí điểm, TPHCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi. 3 năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào. Trong đó, năm 2022 TPHCM có kế hoạch thu hút 5 chuyên gia nhưng hết hạn nộp hồ sơ chỉ có 2 hồ sơ gửi tới hội đồng tư vấn.
Không mặn mà với chính sách tuyển dụng, thu hút người tài mới, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng chỉ ra tình trạng gần đây một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư. Một trong những lý do chính là vấn đề thu nhập chưa tương xứng. Cụ thể, chuyên gia học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4), mỗi tháng nhận 14 triệu đồng, các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng mỗi tháng.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng đã là người tài, người đã thành công và có vị trí trong lĩnh vực của họ, thì mức lương trần 120-150 triệu đồng/tháng là không cao, đặc biệt là với các chuyên gia từ nước ngoài.
Nói về việc giữ chân người tài, GS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết ĐHQGHN đang triển khai rất mạnh các chính sách để giữ chân và khích lệ nhà khoa học, đó là các chương trình học bổng cho nghiên cứu sinh, học bổng cho tiến sĩ; chương trình ươm tạo nhà khoa học trẻ, hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng cho sinh viên học ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, theo ông Quân, năm 2022 sắp hết nhưng các đơn vị của ĐHQGHN chưa “giải ngân” hết một nửa số tiền hỗ trợ đang có, cho thấy có rất ít nhà khoa học trẻ tham gia vào các chương trình hỗ trợ.
Hiện ĐHQGHN có chương trình hỗ trợ cho giảng viên của một số trường thành viên như Trường ĐH Khoa học tự nhiên, đảm bảo giáo viên có mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là các chính sách cởi mở của ĐHQGHN để thu hút các nhà khoa học trẻ.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Kết quả rà soát 90 ý kiến của các giảng viên, nghiên cứu viên có học vị tiến sĩ, dưới 40 tuổi do CLB Nhà khoa học (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện cho thấy, khoảng 72% cán bộ được khảo sát đã tham gia vào các đề tài cấp Bộ và tương đương; gần 40% nhà khoa học có từ 1 – 3 công bố quốc tế trong vòng 5 năm qua. Có hơn 80% cán bộ khoa học chưa có đăng kí phát minh sáng chế; gần 60% cán bộ chưa chủ trì bất cứ một đề tài cấp sở, ban, ngành, cấp bộ và tương đương.
Khảo sát cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc như, các nhà khoa học đang thiếu kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học; 54,7% ý kiến cho rằng khó khăn thực đề tài đến từ các quy định, thủ tục hành chính; 38% cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm trong thực hiện công bố quốc tế hoặc đăng kí phát minh sáng chế.
Nhóm khảo sát đề xuất, cần ưu tiên cho nhà khoa học trẻ tham gia đề tài, giảm bớt thủ tục hành chính để việc triển khai đề tài khoa học khả thi… Đẩy mạnh cơ chế để các nhà khoa học trẻ được nghiên cứu, tham gia vào các đề tài khoa học lớn là một trong những giải pháp để khuyến khích và giữ chân nhà khoa học trẻ bên cạnh việc đảm bảo mức thu nhập đủ sống cho người làm nghiên cứu. Trong đó, kinh nghiệm từ các quốc gia khác đó là ngay trong trường ĐH, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp… cần tạo ra những nhóm nghiên cứu có cả người giàu kinh nghiệm và những người chập chững mới vào nghề. Tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ được tiếp xúc với giới khoa học bên ngoài bằng việc tham gia các hội thảo, đi thực tế, trao đổi, chia sẻ ý tưởng…
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Phương Thảo cho rằng bên cạnh mức lương thưởng tương xứng thì các yếu tố khác như môi trường làm việc, cơ chế quản lý... cũng rất quan trọng để nhà nghiên cứu trẻ, kể cả những người đã thành danh muốn góp sức cho đất nước. Bên cạnh đó là hệ thống đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc để tạo động lực, không chỉ cho các chuyên gia mà còn cho người lao động nói chung.
TS. Nguyễn Phi Lê - Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK AI) cho rằng, lực lượng nghiên cứu khoa học trẻ của Việt Nam hiện còn mỏng và mặt bằng chung về công nghệ máy móc các ngành, nghề vẫn còn hạn chế, thiếu thốn. Để thúc đẩy phát triển đội ngũ này cần triển khai các giải pháp đồng bộ, nhất là trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, mức lương còn thấp thì những yếu tố về chính sách, về môi trường cần được “cởi trói” để người làm khoa học chuyên tâm nghiên cứu, cống hiến.