Khi rau xanh giả danh VietGAP

M.DUY - H.NHÂN 02/10/2022 08:04

Rau xanh không rõ nguồn gốc ngang nhiên dán nhãn VietGAP trà trộn vào siêu thị trục lợi khách hàng. Trong khi đó gây dựng tiêu chuẩn VietGAP không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là cần nhiều thời gian và rất tốn công, tốn của. Thế nhưng, những gì mà báo chí gần đây phản ánh cho thấy người tiêu dùng đang bị “đánh cắp niềm tin”. Để tiêu thụ bền vững nông sản sạch thì việc xây dựng một thị trường rau xanh tử tế là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Người tiêu dùng bất an

Những ngày vừa qua, dư luận dậy sóng trước thông tin Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (TP Thủ Đức, TPHCM) nhập nấm có xuất xứ từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGAP rồi phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh. Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) có nhà máy tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bán rau sạch rởm “biến hình” vào Winmart, Tiki ngon, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP. Từ đây, người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị lại gánh thêm nỗi bất an về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có thể thấy, vụ việc rau không rõ nguồn gốc đội lốt rau sạch kể trên không phải là trường hợp hy hữu, mà trước đó cũng đã có không ít đơn vị làm ăn theo kiểu chụp giựt như vậy. Còn nhớ tại Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) RAT Đạo Đức (Vân Nội, Đông Anh) của vợ chồng Liên - Hòa chuyên cung cấp rau cho siêu thị, bếp ăn khu công nghiệp từng thu mua rau của nông dân. Rồi chỉ sau một vài công đoạn rửa và đóng gói vào các bao bì được in sẵn, các loại rau củ quả này được bà Liên mang đến giao cho các siêu thị lớn ở Hà Nội. Còn tại TP Biên Hòa, ông Nguyễn Hữu Đức - Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn Trảng Dài (TP Biên Hòa) vì lợi nhuận đã mua rau trôi nổi tại chợ Sặt (phường Tân Biên), bán vào siêu thị dưới danh nghĩa là rau của HTX và ghi là rau an toàn. Mặc dù là hộ gia đình cung cấp rau cho siêu thị, nhưng ông Đức vẫn sử dụng phiếu kiểm nghiệm chất lượng của HTX.

Từ câu chuyện này, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của tất cả các loại hàng hóa khác trong một số siêu thị. Trong đó, có sự mập mờ về hạn sử dụng của một số thực phẩm. Ngay tại khu vực bán thực phẩm chín, một số loại thực phẩm ăn liền như: Cá basa, cá kho, cá thác lác, gà quay… trên tem của siêu thị chỉ ghi ngày đóng gói, còn chỗ đề ngày hết hạn thì bỏ trống. Cách đây không lâu, một siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã dính vụ bê bối khi nho xanh được bán tại đây được quảng cáo là có xuất xứ từ Ninh Thuận nhưng lại được dán cờ nước ngoài. Đại diện siêu thị cho rằng đó là sự nhầm lẫn của người dán nhãn mác và nho xanh chắc chắn được nhập từ một công ty ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác minh số nho này được lấy từ chợ đầu mối Long Biên và siêu thị bị xử phạt 35 triệu đồng.

Hàng đông lạnh trong siêu thị cũng khiến người tiêu dùng giật mình. Hồi cuối năm 2020 cơ quan chức năng bắt giữ 5 tấn nội tạng đông lạnh bốc mùi trong xe container tại khuôn viên siêu thị Mega Market (Hà Nội). Tại một kho khác trên địa bàn Hà Nội, công an đã phát hiện 25 tấn đùi gà hun khói do Hàn Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trong đó 12 tấn đã hết hạn sử dụng từ ngày 9/3/2019, đang được chủ cơ sở tẩy sửa, tăng thêm thời gian sử dụng đến ngày 1/3/2020. Dù vậy, thời điểm đó siêu thị đã không nhận trách nhiệm với lô hàng đông lạnh này…

Từ hàng loạt sự việc trên, người tiêu dùng đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu cơ sở làm ăn gian dối tuồn hàng kém chất lượng vào hệ thống siêu thị mà chưa bị ngành chức năng phát hiện? Bên cạnh đó ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ra sao để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Rồi ngành nông nghiệp phải đưa ra những giải pháp gì để xây dựng một thị trường nông sản đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng...

Người tiêu dùng chọn mua rau trong siêu thị.

Còn nhiều lỗ hổng

Trước những vụ việc nông sản “bẩn” đội lốt hàng sạch lừa dối người tiêu dùng, đi tìm nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, từ nhiều năm trước, chính ông từng cảnh báo câu chuyện về chiết khấu cao, các chi phí “khó nói” khi các nhà cung cấp đưa hàng vào siêu thị đã diễn ra và đã từng bị phê phán rất nhiều, song đến nay việc giải quyết hầu như chưa có tiến bộ nào đáng kể. “Lượng nông sản, hàng hoá sạch luôn được Chính phủ khuyến khích phát triển song đầu ra lại bị tắc nghẽn, chỉ có 15% - 20% hàng hoá sạch vào được các siêu thị trong nước, tỷ lệ còn lại rất lớn vẫn đang bị bán tháo như các hàng hoá khác, chính vì thế từ người nông dân đến các tổ hợp sản xuất đang bị mất lợi nhuận một cách vô lý mà chưa được ai, cơ quan nào đứng ra giải quyết”, ông Phú thông tin thêm.

Ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ nhiệm HTX rau sạch Lĩnh Nam, Hà Nội cho biết, hiện tại địa phương có 170 ha diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, 74,4 ha được sử dụng trồng RAT, 12,5/74,4 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng sản phẩm không đưa vào siêu thị, bởi có rất nhiều khúc mắc nhưng lớn nhất là do mức chiết khấu của các siêu thị, thời điểm cao nhất lên tới 15%.

Mặt khác, chịu sự quản lý của 3 ngành: Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế nên đối với các siêu thị, việc xin giấy phép, giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm phải qua rất nhiều “cửa”. Với mỗi sản phẩm, muốn có được “chỗ đứng” trong siêu thị cũng không phải là chuyện dễ dàng. Với mặt hàng thực phẩm phải có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế; hàng nhập khẩu phải có tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế… Với một rừng các thủ tục kiểm định nghiêm ngặt và giấy tờ gắt gao, vậy tại sao hàng “bẩn” vẫn “leo” lên kệ của siêu thị?

Trả lời câu hỏi này ông Phú bày tỏ: Trước hết là do các siêu thị hoạt động không chuyên nghiệp, chưa chú trọng đến chính sách phát triển siêu thị, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Rất nhiều giám đốc siêu thị Việt Nam không được đào tạo về bán lẻ. Thêm vào đó, cơ chế kiểm tra, xử lý, giám sát hiện còn quá nhiều lỗ hổng và yếu kém.

Chuẩn hóa từ chợ cóc đến siêu thị

Liên quan tới loạt thông tin rau “đội lốt” VietGAP vào siêu thị, ngay sau đó Bộ NNPTNT đã họp khẩn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Không ai vô can trong việc này. Bộ NNPTNT không vô can, tôi cũng không vô can”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong vai trò người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán cũng sẽ như vậy. “Phải chuẩn hóa nông sản ngay từ thị trường trong nước, bắt đầu từ chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối. Bởi chúng ta không chấp nhận sự dễ dãi từ khâu nhỏ nhất. Chưa kể hệ thống quản lý từ trung ương tới địa phương đang bị cắt khúc. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ từ nay tới cuối năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các cơ quan thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không.

Ông Lê Minh Hoan thừa nhận, lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì Nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử phạt, người tiêu dùng có thể tẩy chay.

Để kiểm soát tốt hơn chất lượng nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nêu giải pháp: Bộ sẽ tập trung xây dựng mã số vùng trồng, để cấp mã số vùng trồng nhằm quản lý được chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Bộ cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn cho địa phương phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để xây dựng phần mềm thực hiện cấp mã số vùng trồng trực tuyến.

Theo ông Cường, Bộ trưởng đang chỉ đạo rất quyết liệt và giao cho Cục Chế biến phối hợp cùng Cục Trồng trọt tổ chức gặp mặt, liên kết, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp để làm sao các sản phẩm được cấp mã số vùng trồng sẽ được ưu tiên vào các chợ đầu mối, doanh nghiệp phân phối lớn...

Dù vậy, ở góc độ nhà sản xuất, việc “con sâu làm rầu nồi canh” cho thấy những thiệt hại rất khó có thể bù đắp, bởi để có được bó rau sạch, rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy định, chi phí đầu tư cũng cao hơn nhiều so với trồng rau truyền thống. Sau thời gian dài, những cụm từ như: rau sạch, rau an toàn, rau VietGAP đã trở thành thương hiệu đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng mong muốn có được những bó rau sạch, rau an toàn và sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua.

Xin nhắc lại, thương hiệu VietGAP là chuỗi tiêu chuẩn được xây dựng, kiểm định ngặt nghèo trên cơ sở quy định của luật pháp trong thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó hướng đến cao nhất là sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm dù được gây dựng qua nhiều năm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những vụ nông sản đội lốt.

Nhưng từ phía người tiêu dùng vẫn có quyền băn khoăn: ngành chức năng, các đơn vị liên quan liệu có làm triệt để và thực sự có trách nhiệm với công việc “gác cổng” bảo vệ nông sản sạch, bảo vệ người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Quản lý chồng chéo

Việc 3 Bộ (Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế) cùng quản lý khiến quá trình xử lý thực phẩm bẩn hoặc hậu kiểm doanh nghiệp sản xuất mất rất nhiều thời gian. Đồng thời dẫn đến việc thiếu phân định rõ trách nhiệm của từng ngành nên dễ rơi vào tình trạng chồng lấn hoặc bỏ sót trách nhiệm trong quá trình kiểm tra kiểm soát. Mặt khác, hiện nay thông tin công khai về thực phẩm vi phạm chất lượng ngoại website của Cục An toàn thực phẩm thì rất ít cơ quan khác có thông tin, dù có thêm 2 Bộ cùng tham gia quản lý. Điều này dẫn đến có những trường hợp sai phạm về chất lượng thực phẩm, người dân muốn nắm rõ cũng không biết tìm đọc ở đâu và thường chỉ biết thông tin khi có người sử dụng thực phẩm đã ngộ độc và phải nhập viện do báo chí đăng tải.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật: Dán tem VietGAP lên hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là phạm pháp

Việc dán tem VietGAP lên các mặt hàng được lấy từ Trung Quốc hay các chợ đầu mối, không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi đem bán tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Để xem xét trách nhiệm pháp lý trong việc dán tem, cần xác định công đoạn này do ai thực hiện và mục đích của họ là gì, từ đó làm rõ trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Nếu xác định việc họ làm giả thông tin, nhãn mác sản phẩm là để che giấu xuất xứ sản phẩm thì đây sẽ được coi là một công đoạn trong chuỗi hành vi, là một thủ đoạn nhằm lừa dối khách hàng. Khi đó, cá nhân liên quan sẽ chịu trách nhiệm theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 mà không bị xử lý thêm tội danh khác. Còn nếu việc làm giả thông tin nhằm làm giả quy trình của VietGAP, họ có thể bị xem xét xử lý thêm về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.



M.DUY - H.NHÂN