Mùa đông đang đến và sự lựa chọn khó khăn của EU
Mùa đông đang đến gần, trước viễn cảnh u ám thiếu khí đốt, London đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí đá phiến (được áp dụng từ năm 2019) nhằm tăng cường các nguồn cung năng lượng trong nước, khi mà Anh đang phải trợ cấp hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp với chi phí ước tính khoảng 113 tỷ USD. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa đã thực hiện chuyến công du tới Vùng Vịnh nhằm tìm kiếm nguồn nhiên liệu.
Ông Olaf Scholz đã ký kết thành công thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu diesel từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Theo thỏa thuận, UAE sẽ cung cấp một lô hàng LNG cho Đức. Công ty dầu khí nhà nước ADNOC của UAE cũng sẽ cung cấp tới 250.000 tấn dầu diesel mỗi tháng cho Đức vào năm 2023.
Viễn cảnh một mùa đông giá rét
Chuyến công du tới Vùng Vịnh của Thủ tướng Đức Scholz nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho ngành công nghiệp nội địa cũng như giảm nhẹ tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine.
UAE là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ 3 trên thế giới sau Nga và Iran, và là nước xuất khẩu khí LNG hàng đầu thế giới. Đức là một trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga. Ngày 2/9 vừa qua, Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã thông báo đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) nối từ Nga tới Đức vì lý do sửa chữa đường ống và không cho biết khi nào cung cấp trở lại.
Việc Thủ tướng Đức tìm kiếm nguồn năng lượng mới từ Vùng Vịnh, khiến 26 nước còn lại trong EU càng lo ngại hơn khi mùa đông tới. Truyền thông Pháp đặt vấn đề: “Ăn hay sưởi ấm - lựa chọn khó khăn vì khủng hoảng năng lượng tại châu Âu?”
Tại Anh, tổ chức “Don’t Pay UK” đã kêu gọi người dân tẩy chay hóa đơn năng lượng từ ngày 1/10, đòi tăng lương, áp trần giá thuê nhà và tăng thuế đánh vào người giàu.
Lo sợ thiếu nguồn cung nhiên liệu, tiến sĩ Simone Tagliapietra của Viện Nghiên cứu kinh tế Bruegel (Brussels, Bỉ) nhấn mạnh, đến lúc này tất cả các lựa chọn (để có nhiên liệu) đều phải được xem xét nhằm tránh cho châu Âu “một mùa đông giá rét”. Còn ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo “mùa đông của sự bất mãn đang ở trước mắt”, trong bối cảnh thiếu nhiên liệu và chi phí sinh hoạt tăng mạnh.
Bình luận được ông Guterres đưa ra sau khi Hội đồng Châu Âu (EC) tung ra đề xuất các nước EU đánh thuế 33% nhắm vào lợi nhuận thặng dư của các doanh nghiệp năng lượng. Trước đó, Anh cũng áp thuế 25% với các doanh nghiệp năng lượng trong năm nay nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì chi phí năng lượng tăng cao.
Bà Naomi Hossain (Đại học Hoa Kỳ ở Washington, D.C, Mỹ) nhận xét: Khi buộc phải chọn giữa các nhu cầu cơ bản, giữa ăn uống hay sưởi ấm thì tâm lý bất mãn của người dân sẽ lan rộng. Và không còn nghi ngờ gì nữa mùa đông này đối với châu Âu sẽ là những tháng ngày khắc nghiệt”.
Cảm giác “đau ví” vì phải thanh toán những hóa đơn năng lượng quá đắt đỏ là dấu hiệu không lành cho cả khối EU. Bà Hossain khuyến cáo các chính phủ EU hãy “lắng nghe những gì đang xảy ra trên đường phố” để nhanh chóng tìm ra cách ứng phó.
Trên thực tế, đối mặt với nguy cơ phải cúp điện liên miên, các nước EU đã đưa ra một loạt biện pháp để tiết kiệm năng lượng. Chính phủ Tây Ban Nha ra quy định giới hạn nhiệt độ điều hoà không khí ở mức không thấp hơn 27 độ C tại các toà nhà công cộng, khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm. Trong khi đó, Pháp tập trung vào “sự điều độ năng lượng” bằng cách tắt đèn các biển hiệu quảng cáo ngoài trời vào ban đêm và phạt những cửa hiệu để cửa mở trong lúc đang sưởi ấm hoặc làm mát. Còn nước Đức đã đưa ra mức trần nhiệt độ sưởi ấm là 19 độ C trong mùa đông năm nay đối với các tòa nhà công cộng và bể bơi công cộng.
Trong bối cảnh áp lực của cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng lớn, 27 quốc gia EU đã chi 314 tỷ euro để triển khai các biện pháp hỗ trợ, riêng nước Anh là 178 tỷ euro. Tuy nhiên, nói như tiến sĩ Simone Tagliapietra thì sự hỗ trợ đó là không bền vững đối với tài chính công.
Vào thời điểm cuối tháng 9, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải quyết việc thiếu hụt năng lượng. Theo đó, các thành viên EU được khuyến khích cắt giảm 10% tổng mức sử dụng điện và bắt buộc cắt giảm 5% lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm; đồng thời áp thuế lên các công ty năng lượng hóa thạch để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, gia đình gặp khó khăn.
Tắt bớt đèn, bỏ lò nướng và tích trữ củi
Mùa đông chưa đến với châu Âu nhưng các văn phòng lạnh hơn, nhiều di tích lịch sử và tượng đài tắt bớt đèn (như tháp Eiffel tắt đèn sớm hơn thường lệ 1 giờ); nhiều khách sạn tính tới chuyện bỏ lò nướng, thậm chí người dân một số nước Đông Âu phải tích trữ củi…
“Chúng tôi không thể tắt hết đèn để khách ngồi trong bóng tối” - ông Richard Kovacs, Giám đốc phát triển doanh nghiệp của chuỗi cửa hàng Zing Burger (Hungary) than thở với hãng tin AP rằng đã phải dùng đến các cảm biến để tắt bớt đèn trong nhà kho. Từ đầu năm đến nay, một số cửa hàng của Zing Burger phải trả hóa đơn điện tăng đến 750%.
Theo tổ chức Bruegel (Bỉ), hiện thời, các kho khí đốt của châu Âu đã rất vơi, khó có thể nói là các chính phủ EU không phải sử dụng biện pháp cắt điện luân phiên. Theo Cơ quan Thống kê của EU (Eurostat), nhưng ngay cả khi có khí đốt, giá cả leo thang vẫn đẩy người dân và doanh nghiệp vào khó khăn, bao gồm nhiều doanh nghiệp trồng rau và trái cây. Tại Bulgaria, nước nghèo nhất trong số 27 nước thuộc EU, tại thời điểm này đã có hơn 1/4 trong số 7 triệu dân không đủ tiền sưởi ấm nhà cửa và gần phân nửa số hộ gia đình phải dùng củi - Eurostat nêu quan ngại.
Còn tại Prague (Cộng hòa Czech), bà Klara Aurell, chủ nhà hàng ăn nói với AP rằng: “Chúng tôi đã chuyển sang dùng bóng đèn LED, tắt hết đèn vào ban ngày và dự kiến chỉ mở máy sưởi khi nào trời thật lạnh. Chúng tôi cũng cài đặt các thiết bị tiết kiệm nước và năng lượng. Đúng là hết cách rồi”.
Đến thời điểm này, không một quốc gia châu Âu nào không nghĩ cách đối phó với mùa đông, khi mà nguồn cung năng lượng ngày một “hẻo” dần. Thật đáng ngại khi ngay từ giữa tháng 9, một trong những cây cầu dây văng nhiều nhịp dài nhất thế giới ở Hy Lạp đã tắt 800 trong tổng số 1.500 đèn trang trí để tiết kiệm 50 MWh năng lượng. Ông Panayiotis Papanikolas - Giám đốc điều hành Công ty chiếu sáng Gefyra SA (Hy Lạp) cho biết: “Những đèn được bật còn lại nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Chúng tôi cũng sẽ thay thế những bóng đèn truyền thống bằng đèn LED tại các tòa nhà công cộng trong thời gian tới”.
Còn tại Paris (Pháp), hệ thống chiếu sáng của tháp Eiffel huyền thoại, từ ngày 21/9 đã phải tắt vào lúc 23 giờ 45 phút mỗi ngày, thay vì đến 1 giờ sáng như mọi khi. “Kinh đô Ánh sáng giờ cũng tắt bớt đèn” - người dân Paris than thở trên mạng xã hội.
Cảnh báo suy thoái
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, Eurozone sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ít ỏi là 0,3% trong năm 2023, đồng nghĩa với việc khối này sẽ rơi vào suy thoái. Tương tự, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde đã cảnh báo nguy cơ eurozone rơi vào suy thoái trong năm 2023. “Về cơ bản chúng tôi không dự báo tăng trưởng âm trong năm 2023, nhưng trong kịch bản xấu thì có khi mà nguồn cung khí đốt bế tắc”.
Hóa đơn điện tăng cao khiến nhiều nhà máy tại châu Âu phải đóng cửa. Lạm phát cao chưa từng có làm giảm sức mua của người dân khi lượng tiền mặt dự phòng được sử dụng hết vào xăng dầu, khí đốt và lương thực.
Ngày 28/9, Ngân hàng Deutsche Bank đưa ra nhận định: “Một cuộc suy thoái nhẹ ở châu Âu đã không còn phù hợp, khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng hơn. Một cuộc suy thoái dài hơn và sâu rộng hơn với cả khu vực là khó tránh khỏi”.
Lo ngại tình trạng khan hiếm năng lượng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi khối phân bổ và giảm nhu cầu năng lượng. Bà Ursula yêu cầu các quốc gia thành viên EU thực hiện các chính sách phân bổ năng lượng “bắt buộc”; nhằm “san phẳng đường cong” về nhu cầu năng lượng của các quốc gia trong khối. Theo đó, EU cần làm “phẳng đường cong” để tránh những nhu cầu cao điểm. Mục tiêu bắt buộc giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm cần được thực hiện thống nhất trong khối trước khi nhu cầu tăng cao trong mùa đông.
Bà Ursula không phải là lãnh đạo châu Âu đầu tiên đề xuất phân chia năng lượng như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nguồn cung. Tổng thống Pháp Emman-uel Macron cũng kêu gọi tự hạn chế tiêu thụ năng lượng để tránh chia khẩu phần trong tương lai. Chính phủ Ý và Đức cũng đưa ra tuyên bố tương tự.