Về Lai Vung hái quýt hồng
Là dải đất phì nhiêu màu mỡ nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, từ lâu vùng đất Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) được coi là vương quốc của nhiều loại trái cây, trong đó đặc biệt là cây quýt. Mặc dù phải tới cuối năm mới là chính vụ nhưng những ngày này, nhiều vườn quýt của người dân ở Lai Vung đã nhộn nhịp với mùa thu hoạch.
Ngoài quýt hồng được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền, Lai Vung còn nhiều loại quýt thơm ngon như quýt đường, quýt ngọt, quýt Thái...
Gốc cây đời người
Theo chân anh Nguyễn Văn Nhơn, 43 tuổi, một thầy giáo dạy tiểu học nhà ở thị trấn Lai Vung, chúng tôi bắt đầu chạy xe gắn máy từ đường tỉnh 852 vào thăm những vườn quýt hồng ở xã Long Hậu. Về cơ bản, vùng đất này như một cù lao khổng lồ với rất nhiều kênh rạch, sông ngòi và những vườn cây ăn trái. Tuy nhiên đường sá khá đẹp, hầu hết đã đổ bê tông liên xã, liên ấp. Thực tế, người dân ở đây có nhiều loại trái cây nhưng nổi tiếng nhất là cây quýt. Và đặc biệt hơn nữa chỉ có người dân vùng Lai Vung là tập trung trồng quýt. Nhiều vùng đất có thổ nhưỡng tương tự ở dải đất Tây Nam bộ này vì các lý do khác nhau đã không chọn lựa loại cây trồng này. Anh Nhơn bảo dịp cuối năm, từ tháng 11 là lúc quýt chín rộ nhưng hiện nay nhiều nhà vườn đã bắt đầu hái quýt đường để bán. Quýt dịp cuối năm thường là quýt hồng, quýt ngọt để làm cây kiểng.
Vườn quýt nhà dì Năm Chợ, một người quen của anh Nhơn nằm sát con lộ nhỏ ở xã Long Hậu. Khi chúng tôi tới, dì Năm đang cùng con dâu hái quýt bán cho thương lái. “Nhà dì có 600 gốc quýt, trồng từ hồi ông nhà còn sống. Dì chỉ trồng quýt đường, loại quýt có trái tròn, nhỏ nhưng ngọt và mọng nước. Nhiều giống quýt mới sau này dì không trồng vì không biết cách chăm sóc. Đây là lứa quýt đầu tiên của vụ này. Cứ mỗi tuần hái một cữ, dần dần cho tới cuối năm. Quýt bây giờ được giá lắm, thương lái họ mua 17.000 đồng một ký. Nhưng phải lựa trái bự màu da lươn mới cân”, dì Năm kể.
Theo tay dì Năm chỉ, chúng tôi thấy những con kênh nhỏ rộng chừng 2 mét với những hàng quýt hai bên. Nếu nhìn thoáng qua sẽ chỉ thấy lưa thưa vài trái quýt đã chuyển màu vàng nhạt nhưng nhìn kỹ, cây rất nhiều trái màu xanh. Cũng như nhiều loại cây trồng khác ở miền Tây Nam bộ, người dân Lai Vung đào kênh nhỏ, vun đất cao để trồng cây. Kênh nhỏ có tác dụng giữ nước tưới và làm nhạt phèn những khi khô hạn.
Vừa bóc những trái quýt nhỏ để ngâm đường, lấy vỏ làm thuốc uống, dì Năm vừa bảo hầu hết những gốc quýt nhà dì có tuổi đời từ 20 năm trở lên. “Quýt này trồng từ lúc tôi sinh con gái út. Hồi đó chồng tôi còn sống, trồng phía bên kênh kia trước, rồi sang bên này. Năm rồi dịch, quýt bán không được rụng vàng khắp vườn nhìn rất buồn. Các con tôi nói hay má chặt quýt trồng mít Thái cho được giá mà tôi không nỡ. Cây quýt nó gắn bó với mình bao nhiêu năm, mai mốt chúng nó muốn trồng cây gì tùy. Chứ bao năm gắn bó với những gốc quýt này, mình không nỡ chặt”, dì Năm chia sẻ.
Theo anh Nhơn, hầu hết người dân ở Lai Vung nhà nào cũng trồng quýt. Nhiều thì vài trăm gốc, ít thì mươi gốc. Ở đây cũng có nhiều loại quýt. Như quýt hồng đặc sản được nhiều người biết thì trồng cho trái, làm kiểng dịp tết. Hay quýt đường như nhà dì Năm thì lấy trái, dù giá trị kinh tế không cao như quýt hồng nhưng nhiều trái, dễ bán và dễ chăm sóc hơn. Rồi còn quýt thái mới nhập về cũng rất ngọt, có nhiều gia đình đã trồng thử.
Nặng tình mùa quýt chín
Thương hiệu cây quýt Lai Vung bây giờ đã vươn rất xa khỏi vùng đất này. Hàng năm, bắt đầu từ tháng 11 là hàng ngàn khách du lịch từ khắp nơi đã đổ về Lai Vung, về các nhà vườn ở những xã như: Long Hậu, Long Thắng, Vĩnh Thới...
Thú thực tôi đã nghe nhiều về quýt hồng ở Lai Vung nhưng đây là lần đầu tiên được đi dưới những tán cây quýt thấp, cành và trái trĩu xuống, cứ đập lộp bộp vào đầu nếu không tránh kịp. Tuy nhiên, vườn quýt của vợ chồng Đặng Văn Hải, 40 tuổi ở xã Long Thắng, một người quen khác của anh Nhơn lại không đẹp rực rỡ như những bức hình trên mạng mà tôi đã xem. Từ lộ bê tông phải chạy men theo kênh Cây Trâm chừng nửa cây số mới tới. Cũng như nhà dì Năm, vợ chồng anh Hải đang thu hoạch những trái quýt chín bói để bán trước.
“Nhiều vườn xung quanh đây người ta chặt quýt trồng mít, sầu riêng rồi. Nhiều người còn gọi đó là trái cây tiền tỉ vì giá trị kinh tế cao. Nhưng nhà tôi nhất quyết giữ lại vườn quýt này. Theo kinh nghiệm lâu năm của mình, không có cây gì tốt hơn cây quýt ở vùng này. Quýt có thể chịu được mưa nhiều, mặn lâu. Hơn nữa mùa thu hoạch quýt thường kéo dài, có khi tới bốn tháng nên mình có thu nhập lai rai, không lo lắng kiểu “đánh bạc” như mít với sầu riêng”, anh Hải tâm sự.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển thông thôn huyện Lai Vung, khoảng 3 năm gần đây diện tích cây quýt ở địa phương giảm khá nhiều, chỉ còn hơn 300 hécta so với 500 hécta trước đó. Một phần vì thời gian dịch Covid-19, một phần do những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Và quan trọng, đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, có thể trồng gần như tất cả các loại cây nên nông dân có nhiều sự lựa chọn. Chính bởi vậy, những người còn gắn bó với cây quýt như dì Năm, anh Hải là những người “chung tình” với vùng đất này. Tuy nhiên, họ cũng ít nhiều thay đổi để có thể bám trụ với thị trường. Như gia đình anh Hải, bên cạnh những gốc quýt cho trái, anh đã mày mò để tạo dáng, trồng quýt trong chậu phục vụ nhu cầu của khách.
“Tôi quê ở mãi miệt Cai Lậy, hồi trẻ lên trên này làm mướn rồi được ông bà chủ vườn thương, gả con gái. Ông bà trồng quýt lâu năm, khi mất để lại cho vợ chồng vườn quýt này nên mình ráng mà giữ. Quýt tuy giá không cao nhưng lúc nào bán cũng được. Cứ chạy ghe ra chợ ngã Năm Cây Trâm là có xe tải họ mua đem lên thành phố. Năm nay tôi chiết cành, trồng được gần trăm chậu quýt. Tết thuê xe chở lên Sa Đéc, Cao Lãnh bán xem sao. Mình cứ gắn bó với cây quýt thì nó cũng không phụ mình đâu”, anh Hải chia sẻ thêm.
Dù vậy, người nông dân gắn bó với cây quýt đang rất chật vật để duy trì. Trên thị trường, những trái cây cùng loại trồng nơi khác dễ dàng gắn tên khiến cho sản phẩm chính hiệu ngày càng khó bán, khó khẳng định thương hiệu. Ngoài ra, nhu cầu mua bán bị thị trường chi phối, nhiều nhà vườn chạy theo nhu cầu chặt bỏ cây truyền thống cũng là bài toán nan giải. Vì thế, đi dưới những vườn quýt lâu năm của vùng đất này, tôi càng hiểu và thêm quý trọng những người như dì Năm, anh Hải... Họ không chỉ mưu sinh, mà còn đang giữ gìn một loại quà quý của mẹ thiên nhiên dành cho mảnh đất phù sa quê hương từ bao đời nay.