Tuyển sinh đại học năm 2022: Rộng cửa xét tuyển bổ sung
Căn cứ vào tổng chỉ tiêu tuyển sinh đã đạt trong đợt 1, các trường đại học (ĐH) bắt đầu xét tuyển bổ sung nếu còn thiếu. Thí sinh lưu ý, ở đợt này, muốn xét tuyển vào trường nào sẽ đăng ký trực tiếp với trường đó.
Tính đến ngày 2/10, đã có hơn 100 trường ĐH thông báo xét tuyển bổ sung năm 2022 do chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu đợt 1. Trong đó, khối trường tư có chỉ tiêu cao, có trường tuyển bổ sung hơn 1.600 thí sinh trên tổng chỉ tiêu năm 2022 là 2.045 như Trường ĐH Hùng Vương TPHCM.
Học viện An ninh nhân dân xét tuyển bổ sung 16 chỉ tiêu ở cả phía Bắc và phía Nam đối với ngành Y khoa gửi đào tạo Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng). Các thí sinh là nam giới đủ điều kiện sơ tuyển về học lực THPT và học lực của từng môn thuộc tổ hợp xét tuyển (A00 hoặc B00) đã dự thi bài thi Bộ Công an với mã bài thi CA1 và đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành Y khoa được đăng ký xét tuyển.
Năm 2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét tuyển bổ sung những thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương với 475 chỉ tiêu vào các chương trình đào tạo tiêu chuẩn, chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo quốc tế, nhiều chương trình bằng kép, đào tạo tích hợp với nhiều ưu đãi cho sinh viên. Nhà trường lưu ý thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành với tối đa 2 nguyện vọng tương ứng 2 nhóm ngành đào tạo và được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên. Mức chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp là 0 điểm.
Tuy nhiên, cũng có những trường thông báo tuyển bổ sung từ sớm, ngay sau thông báo điểm chuẩn đợt 1 như Trường ĐH Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển bổ sung 4 ngành, tổng chỉ tiêu gần 100 thí sinh. Hạn nộp hồ sơ đến trước 17h ngày 2/10/2022…
Như vậy, các thí sinh cần bám sát các thông tin của trường để tránh bỏ lỡ cơ hội. Trong đó, lưu ý về thời gian thời gian bắt đầu, kết thúc nhận hồ sơ của đợt xét tuyển bổ sung do mỗi trường có quy định khác nhau, không chung một mốc thời gian như đợt 1. Nếu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến chậm nếu trường đã đủ chỉ tiêu sẽ không có cơ hội trúng tuyển. Do vậy, thí sinh cần nộp hồ sơ xét tuyển trong thời gian quy định của trường.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 17h ngày 30/9, hạn cuối để thí sinh trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến, đạt tỷ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Hơn 103.000 thí sinh từ chối cơ hội trúng tuyển đợt 1 có thể tham gia xét tuyển bổ sung.
Lưu ý với các thí sinh quyết định tham gia xét tuyển bổ sung, TS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng, cần chú ý đến điểm trúng tuyển đợt 2 các trường công bố. Theo đó, điểm xét tuyển đợt bổ sung sẽ tùy thuộc vào số lượng hồ sơ và điểm của các thí sinh nộp hồ sơ vào trường. Tuy nhiên, theo quy định ở các đợt xét tuyển bổ sung, mức điểm xét tuyển sẽ không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 và sẽ xét từ cao xuống thấp. Vì vậy, thí sinh bắt buộc phải lựa chọn ngành có điểm chuẩn lần 1 thấp hơn số điểm mình đang có để tăng cơ hội đỗ vào ĐH. Ngoài ra, cũng giống như đợt 1, thí sinh nên đăng ký nhiều ngành, chuyên ngành khác nhau để có thêm cơ hội trúng tuyển.
Mặc dù có hàng nghìn chỉ tiêu bổ sung ở nhiều chuyên ngành, nhiều trường ĐH khác nhau song cũng giống như đợt 1, thí sinh cần thực sự hiểu rõ về nguyện vọng, năng lực và điều kiện của bản thân, tránh trường hợp chọn đại một ĐH chỉ vì nghĩ sẽ chắc chắn trúng tuyển. Đặc biệt là ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn ngành, trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung. Vì vậy, thí sinh dự định nộp vào trường nào cần đến tận nơi tìm hiểu, nghe tư vấn hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin.