Đã trúng tuyển đại học, thí sinh còn cơ hội xét tuyển bổ sung?
Thông tin từ Bộ GDĐT, toàn quốc còn khoảng gần 100.000 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Đây là cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển trường nào trong đợt 1.
Tính đến thời điểm Bộ GDĐT khóa chức năng xác nhận nhập học trên hệ thống, có 463.440 thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên tổng số 567.018 thí sinh trúng tuyển chính thức, đạt tỷ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển.
Như vậy, cả nước vẫn còn khoảng 100.000 chỉ tiêu cần xét tuyển bổ sung. Thí sinh lưu ý để không bỏ lỡ cơ hội này.
Gần 100 trường đại học xét tuyển bổ sung
Ghi nhận cho thấy, hiện đã có gần 100 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu.
Theo thông báo của Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa, trường dành gần 500 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung với 12 ngành đào tạo, điểm sàn nhận hồ sơ từ 19 đến 24 điểm.
Trong đó, có nhiều ngành còn khá nhiều chỉ tiêu như: Y khoa, Điều dưỡng 95 chỉ tiêu/ngành với mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển là 23 (các tổ hợp A00, B00, B08, D07); Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật phục hồi chức năng 40 chỉ tiêu/ngành…
Thí sinh đăng ký trực tuyến tại cổng tuyển sinh của trường và trực tiếp tại trường, từ nay đến ngày 5/10. Trường Đại học Phenikaa sẽ công bố kết quả vào ngày 6/10. Thí sinh trúng tuyển nhập học vào ngày 8/10.
Trường Đại học Hòa Bình cũng thông báo xét tuyển bổ sung 395 chỉ tiêu cho 23 ngành đào tạo. Trong đó, với các ngành thuộc nhóm Sức khỏe, điểm sàn nhận hồ sơ bằng ngưỡng đảm bảo quy định chất lượng tối thiểu của Bộ GDĐT, các ngành khác đạt từ 15 điểm.
Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng công bố xét tuyển bổ sung 4 ngành đào tạo tại 2 cơ sở ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mức điểm sàn là từ 15 – 24 điểm.
Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy vừa thông báo xét tuyển hệ chính quy ngoài ngành Công an bổ sung đợt 1 năm 2022.
Năm nay, nhà trường xét tuyển bổ sung 114 chỉ tiêu theo 2 phương thức xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT (học bạ) là 55 chỉ tiêu; phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là 59 chỉ tiêu.
Trước đó, điểm chuẩn đợt 1 của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy từ 17,88 điểm đến 20,86 điểm. Thời gian tiếp nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy từ ngày 1/10 đến 17h ngày 10/10.
Đã trúng tuyển, thí sinh muốn xét tuyển bổ sung lưu ý gì?
Nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, các chuyên gia lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin như điều kiện xét bổ sung thời gian các ngành và các cơ sở xét bổ sung, so sánh điểm trúng tuyển đó của đợt 1 với điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, thí sinh dự định nộp vào trường nào đến tận nơi tìm hiểu hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin. Khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung.
Với các thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 và đã đăng ký xác nhận nhập học trên cổng của Bộ GDĐT, thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển bổ sung vào ngành khác.
TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, thí sinh cần lưu ý các nội dung như: các điều kiện xét bổ sung; về thời gian xét bổ sung; về các ngành xét bổ sung và các cơ sở xét bổ sung. Đặc biệt lưu ý đến tính hợp pháp của những thông báo xét tuyển bổ sung của các trường.
Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng không xác nhận nhập học mà muốn xét bổ sung ở cơ sở khác thì cần tư vấn kĩ từ cơ sở xét bổ sung.
Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng đã xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GDĐT mà muốn xét bổ sung ở cơ sở giáo dục đại học khác thì cần phải được sự đồng ý của cơ sở đại học đã đăng ký, đỗ và xác nhận nhập học.
Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn do thí sinh còn chọn các phương thức khác mà hệ thống không kiểm soát được, tỷ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
Bộ GDĐT nhận định, năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
“Đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ tuyển sinh năm nay đã thành công, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch”, Bộ GDĐT khẳng định.
Cũng theo Bộ GDĐT, thí sinh là những người được hưởng lợi nhất: Được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn của các trường công bố điểm sàn; được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển lớn nhất; không còn tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển từ nhiều trường mà thí sinh không đăng ký…
Các trường đại học được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, đồng nghĩa với việc các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu. Nhìn một cách logic, khi tỉ lệ trúng tuyển và tỉ lệ nhập học cao, tỉ lệ các trường tuyển được cũng sẽ cao.