Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động các kỳ hạn

Quang Thành 03/10/2022 14:57

Sau khi trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn được NHNN tăng từ 4% lên 5%/năm, nhiều ngân hàng đã tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất đối với các mức kỳ hạn.

Hầu hết các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Ảnh minh họa
Hầu hết các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông tin, tính đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, huy động toàn hệ thống mới chỉ đạt 4,17% so với cuối năm 2021, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2021; tạo áp lực không nhỏ đối với mặt bằng lãi suất huy động.

Do đó, việc tăng lãi suất huy động một mặt giúp giảm căng thẳng về thanh khoản, tuy nhiên khi chi phí đầu vào tăng thì lãi suất cho vay cũng khó tránh biến động.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Research, trong tuần từ 19/9 đến 23/9, NHNN tiếp tục sử dụng các công cụ hoạt động thị trường mở nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ và gián tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Sau khi trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn được NHNN tăng từ 4% lên 5%/năm, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó có cả các ngân hàng thuộc nhóm “big 4”.

Cụ thể, đối với kỳ hạn 1, 2 tháng, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) lãi suất là 4,1%, tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ tháng trước. Đây cũng là mức tăng của 3 ngân hàng khác trong "Big4" gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV);Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), lãi suất tiết kiệm cũng tăng nhẹ lên mức 5% kỳ hạn; lãi suất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) niêm yết ở mức 4,6% kỳ hạn 2 tháng và 4,4% kỳ hạn 1 tháng; Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) niêm yết lãi suất ở mức 5%.

Lãi suất các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại BIDV đã có sự chênh lệch khi kỳ hạn 6 tháng tăng 0,7% lên 4,7%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,8% lên 4,8%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 12-36 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,8% lên mức 6,4%/năm.

Trong khi đó, Agribank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 4,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 6,4%/năm.

Cập nhật ngày 29/9, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại Vietcombank tăng 0,8% lên 6,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng cũng tăng 1% lên 6,4%/năm.

VietinBank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8% lên 6,4%/năm.

Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng giúp các nhà băng huy động lượng tiền nhàn rỗi từ người dân cũng như các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Quang Thành