9 tháng đầu năm, hơn 10 nghìn phương tiện vận tải bị thu hồi phù hiệu
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2022, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu hơn 10,4 nghìn phương tiện, chấn chỉnh nhắc nhở hơn 19,5 nghìn phương tiện.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia về kết quả triển khai, xử lý vi phạm, quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, tính tới ngày 6/9/2022, trên cả nước có hơn 920 nghìn phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình đã truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) và đã được các Sở GTVT cấp phù hiệu để hoạt động kinh doanh vận tải.
Từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho thấy có hơn 9,4 triệu lượt vi phạm tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000 km là 0,74 lần/1.000 km, giảm 32,72% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu hơn 10,4 nghìn phương tiện, chấn chỉnh nhắc nhở hơn 19,5 nghìn phương tiện.
Theo các Sở GTVT, lỗi vi phạm chủ yếu của các xe vận tải bị tước phù hiệu là do vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên/1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống) theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ.
Các phương tiện vi phạm chủ yếu gồm xe tải, xe container, đầu kéo và xe khách tuyến cố định.
Điển hình, trong 8 tháng đầu năm 2022, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk thu hồi phù hiệu của hơn 218 phương tiện kinh doanh vận tải.
Tương tự, Sở GTVT Bình Phước thu hồi 84 phù hiệu của 21 đơn vị kinh doanh vận tải.
Cùng đó, Sở GTVT Yên Bái cũng thu hồi 12 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ theo quy định trên.
Đối với các trường hợp vi phạm, các Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện bị thu hồi phù hiệu phải nộp lại phù hiệu về Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái trong vòng 7 ngày làm việc. Không được sử dụng phương tiện bị thu hồi phù hiệu để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian bị thu hồi phù hiệu.
Các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe khách được yêu cầu không xác nhận vào lệnh vận chuyển đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bị thu hồi phù hiệu; Thanh tra giao thông kiểm tra, giám sát việc thực hiện, trường hợp cố tình không chấp hành giao nộp lại phù hiệu theo quy định, sẽ cưỡng chế thu hồi phù hiệu.
Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức kiểm điểm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi ATGT.
Bên cạnh đó, yêu cầu đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ và thời gian lái xe, thường xuyên kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục và truyền dẫn dữ liệu theo quy định trong suốt quá trình tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo các Sở GTVT, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp phương tiện không chủ động truyền dữ liệu camera giám sát hành trình một cách thường xuyên, liên tục về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Do đó, việc trích xuất dữ liệu để phát hiện xử lý vi phạm cũng chưa được toàn diện.
Theo báo cáo của các Sở GTVT, đến nay trên toàn quốc đã có khoảng 190.000 xe lắp đặt camera và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên tổng số khoảng 205.000 xe phải lắp camera (đạt 95%). Số phương tiện còn lại chưa lắp camera chủ yếu do tạm ngừng kinh doanh vận tải hoặc đang sửa chữa bảo dưỡng dài ngày, chưa đưa vào hoạt động kinh doanh vận tải.