“Mỏi mắt” tìm nhân lực chất lượng cao
Không chỉ khối hành chính, sự nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng đang rất khó tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh giai đoạn hậu Covid-19.
“Đỏ mắt” tìm nhân lực
Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) hiện là nơi thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao điển hình nhất của thành phố để duy trì vị thế đóng góp tỷ trọng xuất khẩu đạt trên 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả TPHCM hàng năm (dự kiến cả năm 2022 đạt 23 tỷ USD). Dù vậy, SHTP vẫn thường xuyên phải chịu áp lực lớn do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung hàng năm.
Bà Trương Minh Sâm - nguyên Phó chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học và công nghệ HASCON cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu thường xuyên đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn, tư vấn chiến lược kinh doanh tại SHTP và các địa phương khác. Tuy nhiên, theo TS Sâm thì việc tuyển chọn được các chuyên gia nhiều năm gần đây rất khó khăn.
Ông Lê Bá Lâm - Giám đốc công ty TNHH Thanh Lâm, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng thông minh, cho biết, đợt tuyển dụng vào đầu năm nay của công ty tuyển 15 vị trí nhân lực có trình độ ĐH, CĐ, nhưng kết quả chỉ tuyển được duy nhất một hồ sơ ở vị trí quản lý dự án. Lý do chính, theo đại diện doanh nghiệp là các hồ sơ đầu vào thiếu nhiều kinh nghiệm trong công tác, trong khi cũng chưa đúng ngành nghề được đào tạo để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Không chỉ khó khăn về nhân sự, ông Thái Thanh Hải, đại diện Công ty TNHH đầu tư CNC Việt - Nhật cũng cho biết, vẫn đang làm việc với Ban quản lý SHTP để hoàn thiện toàn bộ thủ tục triển khai kế hoạch nhân sự và xây dựng dự án tại TPHCM.
Theo ông Hải, thời gian qua công ty đã gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh quy hoạch và hiện vẫn phải chờ tháo gỡ. Tương tự, đại diện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn 3-5 sao tại TPHCM chia sẻ, đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực là quản lý khách sạn, nhà hàng. Ông Đào Mạnh Hùng (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cũng lý giải, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không ít các đơn vị, doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm nhân sự. Sau khi hoạt động trở lại, các DN lại rất khó khăn để tuyển dụng đầu vào, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực lưu trú, lữ hành và khách sạn.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng Cục Du lịch, giai đoạn trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp thì có tới 35% được đào tạo chuyên ngành khác và 20% chưa qua đào tạo. Đến nay, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người và nhiều nhân sự chưa được đào tạo đầy đủ. Đa số nguồn nhân lực còn thiếu, yếu về trình độ ngoại ngữ, khả năng quản trị, quản lý, nhất là quản trị cấp cao.
Còn nhiều rào cản
Là người đứng đầu trung tâm đào tạo nhân lực cao phía Nam của cả nước, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM thừa nhận thực tế, dù đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thu hút nhân tài, trong đó có Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TPHCM nhưng cho đến nay các cơ chế này vẫn chưa thu hút được nhân tài, nhất là ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Quân chỉ ra kết quả trong 5 năm thí điểm Nghị quyết 54 có 19 nhà khoa học về làm việc tại TPHCM nhưng sau đó có tới 14 người rời đi.
Đáng chú ý, trong 3 năm qua các đơn vị của thành phố không tuyển được chuyên gia nào. “Đơn cử trong lĩnh vực y tế, gần đây một số chuyên gia y tế giỏi chuyển sang khu vực tư nhân và hiện tượng này có thể làm giảm cơ hội tiếp cận với y tế của một bộ phận gia đình có thu nhập thấp, nhất là đối với lao động nhập cư” - GS.TS Vũ Hải Quân bày tỏ lo ngại.
Theo ông Quân, một chuyên gia, nhà khoa học có học hàm GS, PGS.TS được hưởng bậc 2, với hệ số 9,4 quy ra mỗi tháng nhận được 14 triệu đồng. Các trường hợp còn lại nhận cũng chỉ trong khoảng từ 13-14 triệu đồng/tháng sẽ rất khó để giữ chân được người tài.
GS Trần Ngọc Anh - giảng viên trường Đại học Indiana (Mỹ) góp ý, chính quyền các đô thị, trong đó có Hà Nội, TP HCM cần học hỏi kinh nghiệm của các nước để xây dựng chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài. Trong đó, muốn phát triển động lực cho khu vực công thì cần có hai yếu tố rất quan trọng là thu nhập cho chuyên gia và cần có hệ thống đánh giá cán bộ, chuyên gia. Bởi vì, chỉ khi đánh giá đúng đóng góp của cán bộ, chuyên gia một cách thực chất, khách quan mới tạo được động lực và sự cạnh tranh để thu hút nhiều hơn nhân tài đóng góp cho đất nước.