Tài sản của loạt tỷ phú USD Việt Nam giảm sâu

Quang Thành 04/10/2022 10:51

Do những diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán, tài sản của các tỷ phú Việt hầu hết đều giảm sâu, thậm chí có người bốc hơi tới 50%.

Thời gian qua, trong bối cảnh chứng khoán thế giới lao dốc, lạm phát ở Mỹ quanh đỉnh 40 năm, lạm phát tại châu Âu tháng 9 đồng loạt tăng vọt lên ngưỡng 10%, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vô cùng ảm đạm.

Do những diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán, tài sản của các tỷ phú Việt hầu hết đều giảm sâu, có người bốc hơi tới 50% dù triển vọng kinh tế trong nước tươi sáng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup chứng kiến mức sụt giảm giá trị tài sản ròng lớn nhất, khoảng 2 tỷ USD, tương đương 32,2%. So với mức đỉnh 7,3 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021, tài sản của ông Vượng đã giảm 42,5%.

Tính theo cổ phiếu trên sàn, tài sản của ông Vượng còn dưới 160.000 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 205.000 tỷ đồng cuối 2021. Thứ hạng của ông Vượng cũng lùi từ 411 xuống 631, tức giảm 220 bậc.

Mặc dù có giá trị sụt giảm thấp hơn Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhưng tài sản của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lại có tỷ lệ thiệt hại lớn nhất, khoảng 50%.

Chốt phiên giao dịch 3/10, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm kịch sàn 6,84% xuống 19.750 đồng/cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020, cổ phiếu HPG xuống dưới ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu.

Theo tính toán của Forbes, trong một năm qua, cổ phiếu HPG giảm khoảng 54% khiến khối tài sản của ông Trần Đình Long bốc hơi 1,6 tỷ USD. Tại thời điểm đầu năm, tài sản của ông Long ở mức 3,2 tỷ USD.

Ngoài ra, các tỷ phú USD khác của Việt Nam như: bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) cũng ghi nhận tài sản giảm, tuy nhiên, mức giảm ít hơn, khoảng 200 - 500 triệu USD mỗi người.

Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, tài sản của Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lại tăng 0,1 tỷ USD lên 3 tỷ USD. Giá cổ phiếu NVL của NovaLand cũng tăng nhẹ từ 77.200 đồng/cổ phiếu lên 82.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 6%.

Tính đến phiên giao dịch ngày 3/10, quy mô tài sản của 7 tỷ phú "thu hẹp" còn 15,8 tỷ USD.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có 7 đại diện xuất hiện trong danh sách này. Trong đó, ông Bùi Thành Nhơn là gương mặt mới góp mặt. Tại thời điểm xếp hạng, lãnh đạo Nova Group sở hữu 2,9 tỷ USD, xếp thứ 1.053 trong danh sách.

Tính đến ngày 11/3 (thời điểm Forbes chốt số liệu), tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái của 7 tỷ phú Việt Nam vào khoảng 21,2 tỷ USD.

Như vậy, so với thời điểm hiện tại, tổng tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam đã "bốc hơi" 5,4 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại gần 25,5%.

Quang Thành