Gỡ nút thắt trục cao tốc phía Nam
Ở khu vực phía Nam, các dự án thành phần của trục cao tốc đã hình thành hoặc đang gấp rút hoàn thành. Trong đó, một số đoạn có vai trò quan trọng như Dầu Giây - Phan Thiết (99km), Phan Thiết - Vĩnh Hảo (101km) hay cầu Mỹ Thuận 2... đều chuẩn bị được hoàn thành. Tuy nhiên, bên cạnh những đoạn có tiến độ tích cực kể trên, nhiều dự án thành phần khác đang thi công rất chậm, thậm chí không biết chính xác thời điểm hoàn thành, tạo thành các điểm nghẽn.
Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, trục cao tốc Bắc Nam được quy hoạch và hình thành bởi tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (57km) và TPHCM - Trung Lương (64km) cũng như một phần của Bến Lức - Long Thành (55km). Về thực tế, các tuyến cao tốc này không liền mạch và chỉ có thể kết nối với nhau bằng các tuyến đường bộ thông thường khác. Các phương tiện di chuyển dọc trục cao tốc Bắc - Nam nhưng khi đi qua địa phận TPHCM sẽ phải mất thời gian di chuyển ở đường bộ này.
Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến việc ùn tắc, kẹt xe ở TPHCM nặng nề hơn. TPHCM là trung tâm đô thị lớn nhất phía Nam, nhưng trục cao tốc Bắc - Nam đi qua đây lại đang bị “ngắt quãng”. Ô tô có thể di chuyển đường cao tốc qua địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai nhưng khi tới TPHCM phải đi đường thông thường (như quốc lộ 1A) để về Long An, Tiền Giang... vì TPHCM không có đoạn cao tốc ghép nối vào trục trên.
Với thực tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vựa trái cây, lúa gạo và thủy sản lớn nhất cả nước, nhu cầu xe tải, container chở hàng hóa từ vùng ĐBSCL đi các tỉnh phía Bắc trên trục cao tốc thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, khi qua TPHCM thì các phương tiện bị nghẽn lại, phải di chuyển đường thông thường trước khi đi tiếp cao tốc.
Theo kế hoạch, tới năm 2025, toàn bộ trục cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn thành nhưng việc gián đoạn, nghẽn ở địa bàn TPHCM sẽ khiến cho hạ tầng này bị giảm năng suất khai thác đáng kể. Phải khoảng 5 năm nữa, khi tuyến đường Vành đai 3 được xây dựng thì các phương tiện khi di chuyển qua địa bàn TPHCM có thể tiếp tục lộ trình đường cao tốc.
Ngoài điểm nghẽn TPHCM, trục cao tốc Bắc - Nam ở khu vực phía Nam vẫn còn một số điểm nghẽn khác. Đó là sự chưa đồng bộ trong việc quy hoạch. Như đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương có quy hoạch 6 làn xe (gồm 4 làn thông thường và 2 làn khẩn cấp) cùng tốc độ cho phép là 120km/h, trong khi đó liền kề với đó là đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có 4 làn xe cùng tốc độ là 80km/h. Việc cùng một trục di chuyển nhưng có thiết kế rất khác nhau đã khiến việc lưu thông ít nhiều gặp khó. Đặc biệt là những lúc xảy ra sự cố như va chạm, tai nạn, ùn tắc... thì việc giải quyết hậu quả thường mất nhiều thời gian và khó khăn hơn. Mặc dù đã có kế hoạch mở rộng để tương thích nhưng từ khi bắt đầu cho tới lúc hoàn thành thường kéo dài tới vài năm.
Việc giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt như trên là vô cùng quan trọng, ngoài nâng cao hiệu quả khai thác, liền mạch của một trục đường quan trọng như cao tốc Bắc - Nam.