Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ
Bà Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nếu đánh giá và sử dụng không đúng cán bộ sẽ dẫn đến tình trạng thôi việc, chuyển việc.
PV: Thưa bà, theo thống kê của Bộ Nội vụ trong 2,5 năm qua đã có gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc. Bà đánh giá như thế nào về con số này, đã đáng báo động hay chưa?
Bà NGUYỄN THỊ SỬU: Cán bộ, công chức, viên chức phải đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Do đó việc cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc chúng ta cần xem xét, đánh giá rõ nguyên nhân. Bởi mỗi trường hợp nghỉ việc có những nguyên nhân khác nhau. Trong đó có yếu tố khách quan và chủ quan.
Về khách quan có nhiều trường hợp nghỉ việc, chuyển việc vì lý do cá nhân như: gia đình chuyển nhà, chuyển công tác sang địa phương khác; bản thân họ muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp.
Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan do cơ chế chính sách chưa tương xứng, phù hợp. Môi trường, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, tạo cơ hội để cán bộ công chức, viên chức phát huy tốt năng lực. Bên cạnh đó, cũng có yếu tố từ công tác quản lý con người của người đứng đầu tổ chức, cơ quan đơn vị nơi có cán bộ công chức viên chức xảy ra tình trạng nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc. Có thể do quản lý điều hành chưa phù hợp, có vướng mắc.
Đặc biệt có yếu tố mà nhiều người ít quan tâm tới đó là chúng ta đang thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động. Có thể đang trong quá trình tinh giản biên chế thì chính bản thân năng lực trình độ của họ không đáp ứng được yêu cầu, với xu thế mới, với đòi hỏi công việc mới của người đứng đầu nên họ cũng tìm cách chuyển sang môi trường làm việc mới.
Còn việc có “đáng báo động” hay không, thì cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn, tìm nguyên nhân có sự chuyển dịch từ công sang tư. Nhiều ý kiến cho rằng đó là do nguồn thu nhập. Tôi xin nói rằng đó chỉ là một yếu tố, chưa hẳn chuyển sang khu vực tư đã đáp ứng hết nhu cầu của cuộc sống.
Phải chăng môi trường công đang có những rào cản, khắt khe, thưa bà?
- Mỗi môi trường đều có thuận lợi, khó khăn riêng. Không phải môi trường công không tạo ra những cơ hội cho cán bộ công chức, viên chức. Việc chuyển sang tư chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Và nếu môi trường công không tạo những cơ hội thì chúng ta không thể có được số lượng cán bộ làm tại khu vực công lớn như hiện nay. Nhất là khu vực công là nền tảng để tạo nguồn cán bộ cấp chiến lược cho đất nước.
Khu vực tư là tự do, tự nguyện, chỉ ràng buộc về dân sự. Doanh nghiệp chú ý tới lợi nhuận, nếu không họ sẽ không tồn tại được, và điều đó tạo áp lực cho chủ doanh nghiệp và người lao động. Cho nên khu vực tư cũng có những điều kiện khắt khe, thậm chí khắt khe hơn Nhà nước về thời gian làm việc và năng suất lao động, vì làm và hưởng thụ theo năng lực.
Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng dù chuyển từ khu vực công sang khu vực tư thì họ vẫn có sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Và việc dịch chuyển cũng là cơ hội để khu vực công phải tự xem lại mình, có như thế mới vươn lên để cạnh tranh thay vì trì trệ?
-Tôi đồng tình với quan điểm đó. Ở mỗi môi trường đều có sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta chấp nhận kinh tế nhiều thành phần thì phải quan tâm đến các thành phần kinh tế gắn với sự phát triển chung, bền vững, ổn định của đất nước. Tất cả các thành phần kinh tế khi được kết hợp hài hoà, đồng bộ, thống nhất sẽ là động lực lớn nhất cho sự phát triển. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo cho tất cả các thành phần kinh tế ở mức độ khác nhau.
Vậy chúng ta cần giải pháp nào để ngăn chặn sự dịch chuyển, thưa bà?
- Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, nguyên nhân nghỉ việc khác nhau, và động cơ khác nhau để bước tiếp đi tìm con đường mới khác. Tôi nhấn mạnh rằng, việc nghỉ việc, chuyển việc cũng là con đường mới. Họ nghỉ làm việc ở khối Nhà nước chứ không nghỉ làm việc và lao động.
Với cán bộ công chức viên chức xin nghỉ do tuổi tác, sức khoẻ, hay năng lực không đáp ứng được yêu cầu chúng ta cần giải quyết chế độ. Còn cán bộ giỏi, ở môi trường nào cũng có dấu ấn thì cần xem xét thấu đáo. Nếu liên quan đến chính sách thì cần rà soát lại cơ chế chính sách. Như chính sách tăng lương, phụ cấp. Nếu vì chuyên môn thì có thể sắp xếp họ đúng với vị trí việc làm, tương xứng với thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình, phù hợp với cuộc sống.
Đặc biệt cần rà soát lại quy hoạch cán bộ, bởi thực tế có việc quy hoạch, đào tạo một đằng nhưng lại bố trí sử dụng một nẻo. Việc rà soát gắn liền với việc đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ phải dựa trên nguyên lý khách quan, toàn diện, công bằng, minh bạch gắn với chế độ thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm. Thấy xứng đáng thì cất nhắc, bổ nhiệm đúng nguyên tắc, quy định. Trong đánh giá cán bộ không được cảm tính, chủ quan, hay thiên vị. Nếu đánh giá và sử dụng không đúng sẽ dẫn đến tình trạng đáng tiếc là thôi việc, chuyển việc.
Tuy nhiên, qua việc cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc thời gian qua theo tôi chúng ta nên phân tích thêm về vấn đề môi trường sống, làm việc với sự tác động nhiều chiều từ kinh tế. Cần phân tích, đánh giá công tác cán bộ và công tác quản lý cán bộ các cấp để xem xét các cơ chế chính sách đã phù hợp hay chưa, có chỗ nào bị khuyết, thiếu phải có sự điều chỉnh. Nhất là môi trường tại khu vực tư - nơi có nhiều cán bộ công chức, viên chức chuyển sang có gì hấp dẫn, từ đó “soi” vào môi trường công để khắc phục. Cần xem xét tổng hòa các yếu tố, từ đó mới có giải pháp phù hợp cho sự phát triển chung của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước.
Trân trọng cảm ơn bà!
“Mỗi nguyên nhân sẽ có từng giải pháp tối ưu cho từng cán bộ công chức, viên chức. Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, nguyên nhân nghỉ việc khác nhau, và động cơ khác nhau để bước tiếp đi tìm con đường mới khác. Việc nghỉ việc, chuyển việc cũng là con đường mới. Họ nghỉ làm việc ở khối Nhà nước chứ không nghỉ làm việc và lao động” – Bà Nguyễn Thị Sửu.