'Việt hóa' tác phẩm sân khấu kinh điển thế giới

Hồng Quế (thực hiện) 05/10/2022 06:53

Trong những năm trở lại đây, xu hướng “Việt hóa” tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới đang được nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn trong nước hướng đến. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực không hề nhỏ trong khâu dàn dựng bởi “cái bóng” quá lớn của các tác phẩm đã được trình diễn trước đó.

Đạo diễn người Nhật Sugiyama Tsuyoshi.

Xung quanh vấn đề này, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Sugiyama Tsuyoshi – đạo diễn của vở “Hedda Gabler” vừa được Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt công chúng.

PV: Thưa đạo diễn, “Hedda Gabler” đã ra đời hơn 100 năm và luôn thách thức đối với tất cả nhà hát trên thế giới. Ông có tin rằng khán giả Việt Nam sẽ đón nhận và yêu thích vở kịch này?

Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi: Trước đây tôi đã từng dựng “Hedda Gabler” đó là một tác phẩm múa đương đại và không hề có một lời thoại nào. Ở vở diễn đó nhân vật xuất hiện cũng chỉ có một mình Hedda, ngoài ra có khoảng 4 diễn viên múa khác. Vở diễn đã được rất nhiều khán giả ở Tokyo đón nhận vì phần lớn khán giả đều có kiến thức về tác phẩm. Tôi nghĩ ở Việt Nam, cũng có một số bộ phận khán giả đã biết đến kịch của Ibsen, nhưng tôi tin rằng những tác phẩm kinh điển luôn được khán giả mong đợi để thưởng thức bởi tính nhân văn cao đẹp và cả những điều xấu xa được nói trong tác phẩm một cách khốc liệt nhất.

Tôi cho rằng các nước trên thế giới cũng vậy thôi, những vở kịch của William Shakespeare hay Anton Chekhov luôn được khán giả đón nhận và tò mò muốn xem vở diễn này sẽ được các nghệ sĩ làm mới nó như thế nào? Ai sẽ là người hóa thân vào vai diễn ấy? Kịch cổ điển là một món ăn khó thưởng thức nhưng tôi tin rằng, tôi sẽ làm cho khán giả thay đổi suy nghĩ ấy và chạm vào rất nhiều tầng cảm xúc khi xem xong “Hedda Gabler” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Cảnh trong vở “Hedda Gabler”.

Để dàn dựng được một tác phẩm kinh điển của thế giới, chắc hẳn giữa ông và tác giả Henrick Ibsen, cũng như nhân vật Hedda Gabler trong vở diễn đã tìm được một sự đồng cảm, rung động đặc biệt?

- Henrik Ibsen là tác giả thường miêu tả cuộc sống về những người phụ nữ, luôn mong muốn hướng tới tự do và phấn đấu để có thể bước lên một tầm cao mới. Sự chiến đấu đó sẽ chống lại những thói hư tật xấu xung quanh chúng ta, điều đó đặc biệt rất giống với một người nghệ sĩ và làm cho tôi có hứng thú với suy nghĩ ấy.

Còn với Hedda tôi rất thích hình tượng nhân vật này. Tất nhiên cô ấy có những hành động rất ngốc nghếch như là hay đùa cợt với mọi người nhưng cô ấy dám sống với cuộc sống mà mình cho là hạnh phúc và đẹp đẽ. Cô ấy đã cố gắng phấn đấu để đạt được điều đó bằng bản năng, chứ không phải là sự tính toán, khi có sự việc xảy ra thì cô ấy luôn làm theo cảm xúc của con tim mình. Để rung động hay không thì tôi không rõ, nhưng Hedda là một người phụ nữ rất có sức hút cả về hình thức lẫn tâm hồn, nếu tôi là người yêu của cô ấy thì tôi sẽ lắng nghe, giúp đỡ và không làm cô ấy bị tổn thương. Thực ra để mà sống như những gì mình mong muốn thì rất khó, hầu hết những ai muốn sống theo ý mình cũng bị loại bỏ khỏi xã hội và Hedda đã dám lựa chọn con đường đi cho mình bằng dũng khí và con tim.

Một cảnh trong vở “Hedda Gabler”.

Sau 3 tháng dàn dựng vở diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, chắc hẳn với ông đã có rất nhiều kỷ niệm?

- Phải nói là có rất nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực và sự kiên nhẫn, chúng tôi đã làm được những điều không tưởng và đến hôm nay tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng bởi tình cảm của mọi người dành cho tôi. Đã có những lúc rất vất vả như là việc sắp xếp thời gian luyện tập vì các diễn viên đều phải đi quay, thời gian thì không có nhiều, nhưng sau một đêm ngủ dậy thì tôi lại tràn đầy năng lượng và muốn sáng tạo. Tôi rất thích Việt Nam và muốn làm việc ở đây, tôi yêu Nhà hát Tuổi trẻ.

Một cảnh trong vở “Hedda Gabler”.

Ekip làm việc có bắt kịp suy nghĩ của ông khi dàn dựng vở diễn?

-Các nghệ sĩ rất hiểu sân khấu cổ điển, có nhiều người tôi chưa được cộng tác, nhưng qua thời gian làm việc, tôi nhận thấy mọi người đều có tài năng, họ không chỉ làm theo ý tôi mà còn rất sáng tạo cho từng vai diễn của mình. Nhất là trong thời gian 3 tháng vừa qua, bây giờ tôi chỉ cần nói một điều rất đơn giản thì các bạn cũng đã hiểu ngay lập tức là tôi muốn gì, tôi chỉ cần nói một là các bạn có thể đáp lại gấp đôi.

Thành công của vở diễn “Cậu Vanya” có tạo cho ông áp lực khi dàn dựng “Hedda Gabler” hay không?

- Đối với tôi, cả hai vở diễn đều mong muốn thành công cho cả Nhà hát và diễn viên. Mục tiêu của “CậuVanya” là tạo ra một tác phẩm cảm động nhưng phải dễ hiểu. Còn với “Hedda Gabler” tôi lại muốn tạo ra một tác phẩm không dễ chịu về việc chiến đấu để dành được cuộc sống mà mình mong muốn. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải luôn nghiêm túc về việc mình muốn trở thành người như thế nào, điều đó sẽ gắn chặt với hạnh phúc của mỗi người. Tất nhiên, có những người suy nghĩ rất kỹ nhưng chưa chắc đã có được hạnh phúc. Nhưng dù sao thì việc suy nghĩ về hạnh phúc của đời mình và cố gắng để dành được nó cũng rất có giá trị. Nhất là trong cuộc sống hiện đại này chúng ta có quá nhiều thứ, như là vật chất và phương tiện để giải trí nên có thể người ta cảm thấy hạnh phúc thật dễ dàng. Hiểu rằng, khi con người ta có những khoảnh khắc giống như Hedda là cái gì cũng có và không biết hạnh phúc là gì nữa. Tôi mong rằng mọi người khi xem tác phẩm này cũng có một khoảnh khắc nghiêm túc suy nghĩ về cuộc đời của mình để bản thân luôn có giá trị và phấn đấu đạt nhiều thành công hơn nữa.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Hồng Quế (thực hiện)