Đồng bằng sông Cửu Long: Ngăn mặn để phát triển bền vững
Xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo là sâu hơn trung bình nhiều năm. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo, có hàng trăm nghìn hecta lúa ở các địa phương ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Triều cường kết hợp gió mạnh, mặn sẽ vào sâu nội đồng
Dự báo của Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NNPTNT), ở các vùng cửa sông Cửu Long, vào tháng 11 và 12/2022, ranh mặn 4 gam/lít ở mức cách các cửa sông 20-30 km. Đến tháng 1 và 2/2023, ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu hơn và cách cửa sông khoảng 50-60 km, cao hơn 5-8 km so với trung bình nhiều năm, tuy rằng thấp hơn khoảng 8-20 km so với năm 2020. Xâm nhập mặn sẽ vào sâu nội đồng vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh.
Đến tháng 3/2023, tình trạng xâm nhập mặn tùy thuộc vào điều tiết nước từ các đập ở thượng nguồn sông Mekong. Chẳng hạn, nếu nguồn nước tăng như một số năm gần đây thì xâm nhập mặn sẽ giảm nhưng nếu nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức 1 tháng trước đó.
Với khu vực sông Vàm Cỏ, vào tháng 11 và 12/2022, ranh mặn 4 gam/lít cách cửa sông 30-40 km. Đến tháng 1 và 2 năm sau, ranh mặn 4 gam/lít sẽ xâm nhập sâu và cách cửa sông 60-65 km, cao hơn 5-10 km so với trung bình nhiều năm và thấp hơn 15-20 km so với 2020. Đến tháng 3/2023, ranh mặn 4 gam/lít có thể lên 65-70 km, cao hơn trung bình nhiều năm 5-10 km và thấp hơn năm 2020 khoảng 10-20 km.
Ở ven biển Tây trên sông Cái Lớn, cống Cái Lớn đã được vận hành nên xâm nhập mặn được kiểm soát.
Từ dự báo trên trong mùa khô 2022-2023, Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, vào thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000 héc ta diện tích sản xuất lúa của một số địa phương ven biển. Trong đó, Tiền Giang khoảng 11.900 héc ta; Bến Tre 12.000 héc ta; Trà Vinh 15.000 héc ta và Sóc Trăng là 20.000 héc ta. Đối với cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng gây ảnh hưởng đến 43.300 héc ta, trong đó Long An 3.100 héc ta; Tiền Giang 21.800 héc ta; Bến Tre 16.000 héc ta và Sóc Trăng 3.100 héc ta.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân 2022-2023, các địa phương ven biển của ĐBSCL, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang có diện tích khoảng 900.000 héc ta, chiếm khoảng 60% diện tích toàn vùng; trong đó nhiều địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng bởi nước mặn.
“Xoay trục” để thịnh vượng
Do biến đổi khí hậu, nhiều năm qua ĐBSCL chịu nhiều thiệt hại, trong đó đáng chú ý là tình trạng nước biển dâng, nước các dòng sông cạn dẫn tới việc xâm nhập mặn vào sâu nội đồng. Điều đó ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, tới trồng trọt (lúa và các vườn trái cây).
Tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL” diễn ra mới đây tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế xâm nhập mặn vào sâu nội đồng thì cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cống ngăn mặn, điều tiết nước.
Cùng với việc hạn chế tác hại của xâm nhập mặn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ĐBSCL còn phải đối diện với một loạt vấn đề tồn tại, gồm sạt lở, ô nhiễm sông ngòi, cạn kiệt tài nguyên… Đáng lo ngại là từ việc môi trường nước sông bị ô nhiễm đã dẫn đến gia tăng khai thác nước ngầm, gây sụt lún.
Giới chuyên gia nông nghiệp trong vùng cho rằng, ĐBSCL cần “xoay trục” để tìm kiếm sự thịnh vượng trong bối cảnh toàn vùng bị tác động xấu từ biến đổi khí hậu. Với việc mặn xâm nhập sâu. thì cần sản xuất lúa gạo ít hơn nhưng phải là những giống lúa tốt để có thu nhập cao hơn.
Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, mới đây Chính phủ đã bàn về quy hoạch quốc gia, trong đó, vấn đề của ĐBSCL cũng được đưa ra bàn thảo là tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm lúa.
“Kể cả vấn đề quy hoạch diện tích trồng lúa thì trong Nghị quyết Quốc hội cũng nói đó là con số linh hoạt. Quy hoạch 3,5 triệu hecta trồng lúa linh hoạt, nghĩa là chúng ta có độ mở, chứ không phải đóng khung” - ông Hoan nói.
Theo bà Dani Umali Deininger - Giám đốc thực hành phụ trách nông nghiệp và thực phẩm của WB, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên… Đặc biệt, nông nghiệp chiếm 19% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Trong đó, ngành lúa gạo chiếm 45% của số này. Vì vậy, bà Dani cho rằng, sản xuất lúa gạo carbon thấp không những giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại COP26 mà còn giúp sản phẩm đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới của thị trường nhập khẩu.