Bảo vật quốc gia tỉnh Thái Bình vừa đón bằng công nhận có gì đặc biệt?
Ngoài giá trị độc bản, “Hương án chùa Keo” Thái Bình được đánh giá cao về nghệ thuật chạm khắc hoa văn, họa tiết và được bảo tồn nguyên vẹn qua mấy thế kỷ.
Ngày 5/10, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, UBND huyện Vũ Thư (Thái Bình) tổ chức Lễ đón Bằng công nhận "Hương án chùa Keo" là bảo vật quốc gia và khai mạc Lễ hội mùa Thu chùa Keo năm 2022, với sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương.
Trước đó, vào ngày 25/12/2021, "Hương án chùa Keo" (Thái Bình) là một trong 23 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 10).
Thông tin lại sự kiện cho biết, Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản bằng gỗ, có dạng hình hộp chữ nhật, kết cấu 3 phần chính gồm mặt, thân và chân; dài 227,0 cm; rộng 156,0 cm; cao 153,0 cm; có hệ thống bánh xe di chuyển.
Được tạo tác từ thế kỷ 17, thời Lê Trung Hưng, “Hương án chùa Keo” Thái Bình có hệ thống hoa văn dầy đặc, tạo tác theo các khối hình “lưỡng long chầu nguyệt”, “long ẩn vân’, “long giáng”…
Trong đó, có tới 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu được chạm khắc tinh xảo bằng các kỹ thuật chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, trổ thủng, tạo ra những khối nổi, khối chìm với tầng tầng, lớp lớp các hoa văn, họa tiết có đường nét sắc sảo, trau chuốt, bố cục chặt chẽ, vừa phóng khoáng vừa đăng đối, vừa thật vừa ảo.
Đặc biệt, việc người xưa đã sáng tạo, thiết kế hệ thống bánh xe vận chuyển cho hương án đã giúp hiện vật không phải chịu tác động xấu của quá trình khiêng vác, tránh được hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên, trải qua mấy trăm năm, đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Trước đó, vào năm 2017, hai bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng, có niên đại từ thế kỷ 17, đặt ở cửa chính tam quan nội chùa Keo tỉnh Thái Bình cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Chùa Keo Thái Bình (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) được xây dựng trong thế kỷ 17, là di tích thờ Phật và Đức thánh Dương Không Lộ - Quốc sư Triều Lý.