Cần quan tâm đào tạo kiến thức pháp luật cho các cán bộ công chức
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Hội nghị Trung ương 8 khoá VII đã bàn rất kỹ về vấn đề này.
Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển năm 2011, Đảng xác định XHCN có 8 đặc trưng. Trong đó đặc trưng thứ 7 là “có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.
Theo ông Phúc, lần này hội nghị Trung ương 6 khóa XIII bàn về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Bởi bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị ở nước ta trong giai đoạn mới, trong đó có xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
“Việc hội nghị Trung ương 6 bàn về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới thể hiện tính cấp bách hiện nay. Vì Nhà nước pháp quyền là tính tất yếu khách quan của lịch sử, của cả thế giới chứ không riêng nước ta. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật là chủ yếu, tất nhiên có quản lý bằng đạo đức, nghĩa là có đức trị và pháp trị” - ông Phúc nhấn mạnh đồng thời lưu ý rằng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền, bản Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền. Từ Đại hội VII cho đến nay chúng ta đã bàn về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Và tại Hội nghị Trung ương 6 lần này, Trung ương bàn để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo ông Phúc, tại Hội nghị lần này, Trung ương thảo luận để hoàn thiện thêm. Ví dụ như cơ quan lập pháp làm gì cho đúng với chức năng lập pháp. Cơ quan hành pháp là Chính phủ làm gì, có tham gia làm luật hay không. Cơ quan tư pháp là Tòa án xét xử thế nào cho công minh, không bỏ lọt tội phạm nhưng không được oan sai. Do đó, lần này sẽ bàn cụ thể mối quan hệ giữa lập pháp - hành pháp - tư pháp, trong vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Ông Phúc cho rằng khi có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh rồi thì cần quan tâm tới đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, bởi không có đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật tốt thì cũng không thành công. Cho nên cần quan tâm đào tạo kiến thức pháp luật cho cán bộ trong bộ máy Nhà nước đến toàn bộ cán bộ trong hệ thống chính trị để họ phải am hiểu pháp luật, thậm chí từng đại biểu Quốc hội phải am hiểu pháp luật mới tham gia được công tác lập pháp.
“Từng công chức trong bộ máy hành chính nhà nước phải hiểu pháp luật. Việc đào tạo cán bộ là cực kỳ quan trọng, và phải giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân. Nếu chỉ hoàn thiện bộ máy, hoàn thiện luật pháp nhưng thực thi pháp luật kém, là khâu đang yếu thì hiệu quả đem lại cũng không cao. Ngay bản thân cán bộ cũng chưa hiểu hết pháp luật, thậm chí người thi hành pháp luật cũng vi phạm pháp luật vì không hiểu luật” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chỉ rõ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần chú ý đến việc hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực.