Ấm áp tình người
Những ngày này, người dân huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đang phải thu dọn những đống bùn đất, vớt vát những gì còn lại sau trận lũ quét kinh hoàng. Ảnh hưởng bởi bão số 4, trận lũ tại huyện Kỳ Sơn bắt đầu mạnh lên từ đêm 1/10 kéo dài đến 16 giờ ngày 2/10. Xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử này.
Lũ ập đến nhanh tới mức người dân hai bản Sơn Hà và Hòa Sơn (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chỉ kịp nhắm hướng đồi cao mà chạy. Lũ đi qua, nhiều căn nhà còn lại chỉ như một phế tích do bị dòng nước dữ xé nát, kể cả những ngôi nhà kiên cố cũng không trụ nổi. Bên trong những căn nhà ấy không còn gì ngoài bùn đất.
Ông Mùa Nỏ Xử - Trưởng bản Sơn Hà buồn rầu cho biết, 3 giờ sáng ngày 2/10, lũ ập đến. Trong đêm tối mịt mù, tiếng người gọi nhau thất thanh chìm trong tiếng rít của dòng nước dữ. “Cả bản giờ chỉ là một bãi bùn đất, mọi thứ đã trôi mất hết rồi” - ông Xử nói.
Không để bà con đói rét, ngay lập tức chính quyền huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An đã huy động các lực lượng tới vùng lũ giúp dân. Hàng ngàn bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên, những người tình nguyện gấp rút vượt đường đến Kỳ Sơn, đến Mường Xén. Trong đó có cán bộ Mặt trận, những người luôn sát cánh cùng nhân dân trong những lúc khó khăn. Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An cũng đã có Thư ngỏ kêu gọi ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Giúp dân thu dọn, dựng lại nhà cửa trong sự tan hoang, cùng đó là những chuyến hàng rất thiết thực hỗ trợ người vùng lũ được nhanh chóng chuyển đến.
Trong đoàn hỗ trợ cho người dân xã Tà Cạ, có cả những em học sinh. Lữ Thị Tâm (học sinh lớp 11, Trường THPT Kỳ Sơn cho biết, hai ngày qua em cùng nhiều bạn học sinh trong trường đã tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm vào cho người dân. “Đường đi trơn trượt nên rất mệt. Nhưng nhìn cảnh bà con mình chịu thiệt hại nặng nề như vậy, chúng em cũng muốn góp một phần sức lực của mình để giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn này”- Tâm nói.
Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc người dân vùng rốn lũ Kỳ Sơn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của những tấm lòng từ thiện, của những người thiện nguyện, để họ có sức mà đứng dậy tổ chức lại cuộc sống sau những mất mát ghê gớm do thiên tai tàn phá. Đã có những hành động bước đầu hỗ trợ cho người vùng lũ Kỳ Sơn và chắc chắn sẽ còn nhiều tấm lòng thơm thảo hơn nữa hướng về bà con vùng lũ.
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, không bỏ rơi người trong cơn hoạn nạn. Truyền thống quý báu nhân nghĩa ấy trong nhiều năm qua luôn được phát huy, làm ấm lòng người dân vùng thiên tai. Những hành động thiện nguyện lan tỏa như một điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, no đói có nhau, ấm lạnh có nhau.
Để công tác từ thiện ngày càng phát huy hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hiệu lực từ 11/12/2021; thay thế cho Nghị định 64 năm 2008. Trong đó, Nghị định nêu rõ, chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
Tiếp đó, ngày 5/7/2022, Bộ Tài chính có Thông tư số 41 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện, có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.
Những quy định cụ thể, rõ ràng ấy sẽ đưa hoạt động từ thiện vào nề nếp, thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Nó giúp cho sự ủng hộ của những tấm lòng cao cả nhanh chóng đến với bà con vùng bị thiên tai, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, và cũng để cho xã hội ngày một nhân ái hơn, ấm áp hơn. Ấm áp tình người.