Viết văn, cũng cần hai chữ ‘tùy duyên’
Hồi nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn sống, thi thoảng gặp ông ở nơi này chỗ nọ, ông chỉ mủm mỉm cười. Giữa đám đông, ông có vẻ kiệm lời, cứ ngồi lặng lẽ nghe người khác nói. Lúc ấy, tôi thường nghĩ, những gì ông muốn nói, đều đã nói trong tác phẩm như tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”, hay “Miền hoang tưởng”, “Chuyện ngõ nghèo”… Một nhà văn mà chỉ được người ta nhớ ở những cuộc đăng đàn với những ý kiến phát biểu rổn rảng, hẳn không phải là hình mẫu nhà văn mà Nguyễn Xuân Khánh muốn xây dựng.
Bây giờ thì nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã không còn nữa (ông mất ngày 12/6/2021), nhưng những cuốn sách của ông vẫn được nhiều người tìm đọc. Và ở đó, người ta sẽ gặp lại một nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lặng lẽ ngoài đời nhưng vạm vỡ trong văn chương. Đặc biệt, người ta sẽ gặp lại không gian và những câu chuyện của làng Việt, của đạo Mẫu... Đó có thể là ngôi làng mà Nguyễn Xuân Khánh sinh ra, lớn lên, như lúc sinh thời ông tâm sự: “Quê nội tôi là làng Cổ Nhuế, tục gọi Kẻ Noi, là một làng cổ ngay kề Hà Nội. Bây giờ thì khác rồi chứ chỉ độ vài chục năm về trước nó là cái làng chân quê lắm. Tôi sống ở Hà Nội từ nhỏ, nhưng thời gian ở quê rất nhiều. Tôi chứng kiến nhiều chuyện ở cái làng đó. Những chuyện tôi viết trong "Đội gạo lên chùa" và cả trước đó, trong "Mẫu Thượng ngàn" đều dựa vào các câu chuyện có thật cả. Bắt đầu từ ngôi chùa làng, gọi là tôi muốn "lạ hóa" góc nhìn cũng được, mà muốn dựa vào tư tưởng của đạo Phật để lý giải con người, xã hội cũng được. Chủ yếu là tôi muốn viết về đạo Phật. Đạo Phật là một thành tố lớn trong văn hóa Việt Nam. Bất cứ người Việt Nam nào, dù không tôn giáo cũng đều mang chút tính cách, tâm hồn của đạo Phật. Với người Việt, Phật giáo là một lối sống”.
* Mấy cuốn tiểu thuyết tôi đều viết tay, viết hằng ngày vào giờ hành chính, mỗi ngày 3 trang giấy thôi. Theo tôi, viết tiểu thuyết thì chiêm nghiệm và thời gian suy ngẫm là nhiều nhất. Có hai lối viết, mà tôi theo loại thứ hai tức là chỉ có đại lược, không có dàn bài chi tiết. Viết đến chương nào thì lại dàn ý trước cho 2-3 chương tiếp theo. Như thế, có cái vất vả mà cũng có cái lợi là nhân vật tự nhiên, không gò bó. Tôi quan niệm tiểu thuyết hay là tiểu thuyết xuất phát từ vô thức con người, từ sâu thẳm trong mỗi người mà bật ra, ngộ ra. Viết là thả lỏng cho tâm thức mình thức dậy, tạo điều kiện cho vô thức mình được giải phóng.
* Các nhân vật của tôi đều dựa vào nguyên mẫu song cũng phải hư cấu bằng vốn sống, trí tưởng tượng sao cho hai yếu tố ấy cộng hưởng tạo thành nhân vật có dấu ấn riêng… Hàng loạt chi tiết khác để tạo dựng nên các nhân vật được hình thành từ sự trải nghiệm của biết bao nhiêu người sống quanh tôi.
* Nhà văn viết nhiều khi cần đến cảm hứng sáng tạo nhưng lao động nhà văn là một thứ cực nhọc, âm thầm chỉ mình mình biết. Không có cảm hứng cũng bắt buộc phải ngồi trước trang giấy. Tôi buộc mình mỗi ngày phải viết được trên dưới ngàn từ. Nói chính xác, cái nhân duyên để viết “Đội gạo lên chùa” được khơi gợi từ năm 1977, lúc ấy tôi nghi bị ung thư phổi, nằm ở Bệnh viện E, Hà Nội, cùng phòng với một nhà sư bị ung thư phổi.
Hàng ngày, có một người mặc quân phục đến chăm sóc nhà sư. Tôi tò mò quan sát và trò chuyện, mới biết anh bộ đội đã từng là chú tiểu và nhà sư là sư trụ trì của chùa. Từ nguyên mẫu ngoài đời ấy, những mảnh đời, số phận... trong tôi đã hình thành nên vóc dáng của “Đội gạo lên chùa”.
* Khi viết, cố nhiên anh nào chẳng muốn đưa ra được những ẩn dụ nho nhỏ. Nói chung người viết văn luôn muốn đi đến được những khái quát lớn, còn những điều vặt vãnh, thường nhật nhiều khi chỉ là cái cớ mà thôi. Nhưng để đạt đến tầm khái quát, không phải cứ muốn là được, không phải cứ nói toạc ra là được. Nó đôi khi là sự tỏa ra rất tự nhiên, ngoài ý muốn của mình.
* Khi mình viết thì thường là từ nhu cầu giải xét, giải phóng mình ra khỏi những bức bối. Bởi lúc bấy giờ trong lòng mình cũng có nhiều ẩn ức chứ! Nhưng ẩn ức mà để mãi trong lòng, lâu lâu dễ thành tâm bệnh, chi bằng cứ nói ra, âu cũng là một cách tự giải cứu mình.
* Người viết văn nói chung không nên coi thường bất cứ cái gì. Đối với người viết văn thì không có gì là phí cả. Cho nên mình đừng bao giờ phí phạm cảm xúc. Nhiều trải nghiệm là không dễ gì có lại, nên hãy coi đó là cơ hội mài nhọn cảm xúc của mình.
* Văn chương nói thế chứ nó cũng phải có tính thời sự của nó đấy! Ra đúng thời điểm thì vẫn tốt hơn nhiều chứ, nó nói được giúp người ta cái tâm trạng xã hội lúc bấy giờ.
* Càng đứng trước vòng xoáy, con người hiện đại càng cần phải điềm tĩnh để không bị nó cuốn vào và nhấn chìm trong đó. Tất nhiên, phàm đã là con người thì khó mà triệt tiêu được hết những hành xử bản năng, lại cũng có những hành xử bản năng có ích cho xã hội. Nhưng về cơ bản, chúng ta vẫn nên cố gắng giữ được nhịp riêng của mình, mới có thể làm chủ được dòng chảy.
* Trong nhiều trang viết của tôi thì câu hỏi ám ảnh tôi nhất vẫn là nhận dạng của dân tộc mình thật ra là gì, đâu mới thực là cái cốt tủy, cốt lõi...? Phải biết rõ mình là ai, mình có gì... thì mới có thể đứng vững trên đôi chân của mình và vươn tay chạm tới những khao khát lớn.
* Nếu như cái ngẫu nhiên của lịch sử nó không may rơi vào mình, thì cũng đừng nên coi đó là một điều gì đau khổ quá để mà chìm đắm trong kêu ca rên rỉ. Bất hạnh lấy đi của mình cái này, nó sẽ đền lại cái khác.
* Con người hiện đại luôn tất bật, nhiều stress. Tôi không phải là phật tử, nhiều người khác cũng không, nhưng chất Phật giáo đã thấm từ người mẹ qua bao đời truyền vào ta, nằm trong vô thức. Hãy coi Phật giáo như một lối sống, thực hiện “từ bi hỉ xả”, sống nhân hậu, biết chia sẻ buồn, vui với người khác mỗi ngày. Tôi quan niệm, được sinh ra trên đời này đã là hạnh phúc lắm rồi, phải sống làm sao cho tốt đẹp hơn. Còn tôn giáo vẫn phải là sự kết hợp giữa niềm vui sống và sự trong trắng tâm hồn. Làm sao để ca tụng sự khát sống, vui sống của cuộc đời này nhưng phải cộng với sự an bình trong tâm ta.
* Thời nay, không khí sáng tác dân chủ, mở rộng ra nhiều trường phái, với nhiều kiểu bạn đọc. Các trường phái rồi cũng sẽ qua đi, nhưng nó để lại những kinh nghiệm sáng tác cho người đi sau. Và dù dẫn dắt câu chuyện theo lối cổ điển, nhưng ta vẫn có thể sử dụng có mức độ những thủ pháp khác để làm nổi chủ đề tác phẩm.
* Điều quan trọng trước hết cần phải nạp cho mình kiến thức mọi mặt, phải tự đào tạo mình bởi lẽ viết văn không ai dạy ai được.
Viết văn không phải là sự ăn may mà là sự khổ luyện cộng với thiên phú trời cho. Các nhà văn trên thế giới đều có căn bản về văn hóa. Nếu chỉ dựa vào một số năng khiếu thì mươi truyện ngắn, vài tác phẩm rồi hết thì thật tiếc. Nền văn học nước ta trong tương lai trông chờ vào các bạn trẻ và nếu các bạn trẻ có ý thức tự nạp “năng lượng”, chúng ta sẽ có những nhà văn lớn kiêm nhà tư tưởng...
* Viết là một công việc nhọc nhằn. Tôi chưa bao giờ vì cái đó mà thôi viết cả. Nhưng viết, phải có ý tưởng, sự trải nghiệm, ý thức… Tôi chưa hài lòng thực sự với tác phẩm nào của mình cả. Nhưng có chừng nào, viết ra đến đó, nó còn do số phận. Tôi coi như thế là xong.
* Nhà văn là một nghề lầm lũi. Nhưng chảo đắng chỉ là một trong các vecter tác động vào nhà văn rồi tuỳ tạng mà thành ra phong cách.
* Tôi mồ côi cha từ năm còn bé, năm 6 tuổi. Sống với mẹ quá lâu, đó là một vecter quan trọng làm nên giọng điệu tâm hồn.
* Tôi mê đọc sách từ bé. Hồi mới 9-10 tuổi tôi đã đọc hết Tự lực văn đoàn. Tôi với nhà thơ Dương Tường, nhà văn Châu Diên là những người bạn cố tri từ thời trai trẻ. Ông Dương Tường giao du rộng rãi với các vị trí thức, văn nghệ sĩ khắp trong ngoài nước, nên ông ấy có nhiều sách tiếng Pháp, tiếng Anh. Chúng tôi cứ chia nhau đọc. Thế mà đọc nhiều lắm. Nhưng nếu nói ảnh hưởng nhà văn nào rõ rệt thì có lẽ là không.
* Tôi đọc Freud và nghiên cứu về phân tâm học. Nhưng triết học và tư tưởng Phật giáo vẫn ảnh hưởng tôi nhiều nhất. Tôi luôn lấy đạo Phật làm điểm tựa để lý giải con người và xã hội.
* Cái tư tưởng nhập thế của đạo Phật, thực ra là rất mới. Tôi viết về đạo Phật, nhưng không phải khuyến khích đi tu, mà chính là nói về cái lối sống Phật giáo. Con người sống không rời xa hoan lạc, nhưng lại phải an tĩnh. Trong xã hội hiện đại, hiểu và sống cho được cái lối sống Phật giáo đấy, đã là sự tốt đẹp rồi. Nhà văn, dẫu muốn hay không cũng không thể thoát được thời đại. Nhà văn nào giỏi nhất là viết ra được những vấn đề thẳm sâu của xã hội, nói ra được những khao khát ẩn ngầm của thời đại, của dân tộc. Nhưng cũng như lời Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông mà sư cụ Vô Úy dặn chú tiểu An khi xuất gia nhập thế: "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên". Viết văn, cũng cần hai chữ "tùy duyên" ấy.