Trí tuệ nhân tạo hay là ‘chất người’ của máy móc
Sinh thời, thiên tài vật lý Stephen Hawking (1942-2018) đã nhiều lần cảnh báo trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hủy diệt loài người. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực này lại cho rằng cảnh báo của ông Hawking là “thổi phồng quá mức”. Dẫu không có tiếng nói chung nhưng trên thực tế những robot thông minh giống y như người thật ngày càng nhiều hơn và câu chuyện về AI vẫn cuốn nhân loại vào những cuộc tranh cãi bất tận.
Nhà nhân chủng học - bà Daniela Cerqui (Đại học Lausanne, Thụy Sĩ) cho biết: “Tôi rất hài lòng việc phát triển trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những cỗ máy có khả năng vượt xa con người thật sự”. Còn Tiến sĩ Nick Bostrom - Giám đốc Chương trình nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ tương lai (Đại học Oxford, Anh) cho rằng trí tuệ nhân tạo rõ ràng vẫn nằm trong sự kiểm soát của con người. Kể từ khi AI được giới thiệu tại một hội thảo năm 1956, giới khoa học dự đoán rằng trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua con người trong vòng 15-25 năm tiếp theo, nhưng đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra.
Robot ngày càng giống con người
Rõ ràng, trí tuệ nhân tạo đã tiến được những bước dài. Trong đó, việc robot giống hệt con người, thay thế con người trong nhiều lĩnh vực hoạt động và “như thể có cảm xúc” đã không còn quá hiếm hoi.
Robot George của Mỹ là minh họa rõ nét cho khuynh hướng sáng chế của các nhà khoa học: đem lại “chất người” nhiều hơn cho máy móc và giúp máy móc có thể tương tác nhiều hơn với con người. Bạn có thể tin vào câu chuyện được mô tả sau đây không, khi nhà sáng chế Alan Schultz “biểu diễn” trước truyền thông Mỹ.
“George trốn đi!” - Alan Schultz ra lệnh. Robot George suy nghĩ giây lát rồi cất giọng khàn khàn: “Tôi đi trốn ngay đây”.
Có bao nhiêu loại trí tuệ nhân tạo?
Hiện giới công nghệ chia AI làm 4 loại chính. Một là công nghệ AI phản ứng; có khả năng phân tích những động thái khả thi nhất của chính mình và của đối thủ, từ đó, đưa ra được giải pháp tối ưu. Hai là công nghệ AI với bộ nhớ hạn chế; có khả năng sử dụng những kinh nghiệm quá khứ để đưa ra những quyết định trong tương lai. Công nghệ AI này thường kết hợp với cảm biến môi trường xung quanh nhằm mục đích dự đoán những trường hợp có thể xảy ra và đưa ra quyết định tốt nhất cho thiết bị. Ví dụ như đối với xe không người lái, nhiều cảm biến được trang bị xung quanh xe và ở đầu xe để tính toán khoảng cách với các xe phía trước, công nghệ AI sẽ dự đoán khả năng xảy ra va chạm, từ đó điều chỉnh tốc độ xe phù hợp để giữ an toàn cho xe. Ba là lý thuyết trí tuệ nhân tạo; có nghĩa là thiết bị có thể học hỏi cũng như tự suy nghĩ, sau đó áp dụng những gì học được để thực hiện một việc cụ thể. Và cuối cùng, là trí tuệ thông minh “tự nhận thức”, khi nó có ý thức và hành xử, cảm xúc như con người. Đây được xem là bước phát triển cao nhất của công nghệ AI.
Rồi thì George đến nấp sau dãy thùng carton và cất giọng: “Tôi đạt mục tiêu rồi”. Dĩ nhiên ông Schultz chẳng khó gì để tìm ra được George. Đổi lại khi ông Schultz đi trốn trong phòng, robot George cũng tìm được ông dù có mất thời gian hơn đôi chút.
Thật ra robot George cũng không phải là loại đột biến trong công nghệ, nó được Trung tâm Hải quân Mỹ lắp ráp dùng cho việc nghiên cứu AI. Tuy nhiên, nói như Alan Schultz - cha đẻ của robot George, thì chỉ cần một thập niên nữa chúng sẽ bắt đầu tìm hiểu cách con người suy nghĩ, làm việc tập thể và trao đổi thông tin với nhau để tự sáng chế ra các robot thông minh.
“Chúng ta đừng nghĩ đó là chuyện viễn tưởng nữa, mà sẽ là hiện thực. Một hiện thực bất chấp chúng ta có chấp nhận hay không”- Alan Schultz nói.
Trước đó, vào tháng 6/2016, một robot sống động như người thật mặc trang phục phong cách truyền thống đã thu hút rất nhiều sự chú ý tại Diễn đàn Kinh tế mùa hè được tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc.
Robot này được đặt tên là Jia Jia, kích thước y như người thật, sở hữu khuôn mặt tinh tế và giống thật đến từng chi tiết. Jia Jia còn có đôi tay rất đẹp, khiến nhiều người còn nói rằng họ đã nhìn thấy những đường gân máu hồng trên da robot, y như thật vậy. Đáng chú ý, robot Jia Jia có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể, “chỉ có điều chưa tự mặc được quần áo mà thôi”- người đại diện của robot này nói.
Chưa hết, hồi tháng 11/2015, người ta còn kinh ngạc với khả năng bộc lộ cảm xúc giống hệt như người của Geminoid F, nữ diễn viên robot đầu tiên trên thế giới. Nó là sản phẩm trí tuệ thông minh của một nhóm nhà làm phim Nhật Bản. Robot Geminoid F đảm nhận vai diễn Leona và xuất hiện cùng diễn viên thật trong phim Sayonara, nói về đề tài thảm họa nguyên tử. Nó được đánh giá có khả năng biểu cảm cực tốt trong các phân đoạn. Tuy nhiên, điểm yếu duy nhất của Geminoid F là không thể đi lại mà phải ngồi xe lăn để di chuyển tới các vị trí khác nhau trên phim trường.
Nói với truyền thông, đạo diễn Koji Fukada cho biết, ông xem Geminoid F như là một diễn viên thực thụ và liệt kê “cô” trong danh sách diễn viên của đoàn làm phim. Được biết, Geminoid F được chế tạo bởi nhà thiết kế robot nổi tiếng người Nhật Hiroshi Ishiguro và có giá 110.000 USD.
“Cô diễn viên này không bao giờ phàn nàn gì cả. Cô ấy cũng không thấy đói và cũng chẳng cần đi ngủ", vị đạo diễn vui vẻ nói.
Tưởng đó đã là “điểm cuối cùng”, nhưng chưa hết, vào tháng 4/2018, khách hàng của một quán bar tại London (Vương quốc Anh) được một phen hết hồn: Một con robot giống người đến mức gần như không phân biệt nổi đã ở trong quán, trò chuyện với khách hàng, rồi bỗng dưng nó đập vỡ li nước trước mặt mọi người.
- Chuyện gì xảy ra ở đây vậy? - một vị khách ở quán bar đặt câu hỏi.
Thực ra, “nó” đang đóng vai trò trong chiến dịch của hãng truyền hình Now TV, nhằm quảng bá cho mùa mới của series phim viễn tưởng về robot tương tác với con người. Robot này mang tên Fred, do một nhóm chuyên gia của Công ty Enginnered Arts (Cornwall, Canada) tạo ra. Sau khi hoàn thành, họ quyết định đưa đến quán bar The Prince Alfred phía tây London để thử nghiệm. Kết quả ngoài ý muốn khi phản ứng của mọi người với Fred là giật mình và có chút rờn rợn.
Rồi đến tháng 8/2021, truyền thông quốc tế lại một lần nữa khiến thiên hạ bất ngờ khi mô tả cuộc “gặp gỡ với y tá robot Grace, “siêu giống người”, ở Hong Kong (Trung Quốc). Grace được thiết kế với vai trò như trợ lý cho các bác sĩ khi phát hiện nhiệt độ, mạch của bệnh nhân, nhằm giúp công việc chẩn đoán bệnh. Trước đó, Hanson Robotics - công ty thiết kế robot có trụ sở ở Hong Kong, từng một thời gây bão toàn cầu khi giới thiệu robot Sophia có hình dạng giống người và đã được cấp quốc tịch Saudi Arabia hồi năm 2016. Vì thế, truyền thông đã gọi Grace và Sophia là “hai chị em”.
Robot Grace được tạo ra với mục đích như một người bạn đồng hành của bệnh nhân. Grace có thể nói 3 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông - David Hanson, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Hanson Robotics, cho biết. Nó ra đời vào lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, vì thế được đánh giá rất cao trong việc chăm sóc sức khỏe từ xa và chăm sóc không tiếp xúc.
Thế giới sẽ ra sao?
Mùa thu năm 2021, Blake Lemoine - chuyên gia AI của Google đã làm kinh động dư luận khi được cho là đã kết bạn với "một đứa trẻ được tạo nên từ một tỷ dòng code", mang tên LaMDA. Sau một tháng, ông kết luận rằng “nó có nhận thức".
LaMDA - viết tắt của mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại, đã đối đáp với Lemoine ở mức ông xem nó có khả năng tư duy của một đứa trẻ. Nó cho biết nó đã đọc nhiều sách, đôi khi có cảm giác buồn, mãn nguyện và tức giận, thậm chí thừa nhận sợ chết.
Câu chuyện mà Lemoine chia sẻ đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Tuy nhiên, do lộ ra việc này nên Lemoine đã bị Google sa thải với lý do "vi phạm chính sách bảo mật dữ liệu”. Nhưng cũng chính vì thế đã dấy lên việc robot thông minh đã bắt đầu phát triển theo hướng “tự tư duy".
Nhưng, câu chuyện LaMDA đã không dừng lại. Ngay sau khi Lemoine bị sa thải, một robot AI bất ngờ đè gãy ngón tay của một cậu bé 7 tuổi khi cả hai chơi cờ ở Moscow (Nga). Theo video được Independent giới thiệu, cậu bé bị robot kẹp ngón tay trong vài giây trước khi được giải cứu. Một số ý kiến cho rằng đây có thể là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm từ sức mạnh vật lý tiềm ẩn của robot thông minh.
Lemoine cũng được hỏi về “sự cố” này. Tuy nhiên, các phóng viên chỉ nhận được sự yên lặng.
Còn Jeremie Harris - người sáng lập Công ty AI Mercurius, đánh giá robot có tư duy chỉ là điều sớm muộn. Và điều đó có thể nguy hiểm khi robot đưa ra những cách giải quyết vấn đề một cách "sáng tạo" theo cách của chúng.
Tới nay, đã có rất nhiều cảnh báo về mặt trái của phát triển AI. Nổi bật là những quan ngại về việc ứng dụng AI cho phép các hệ thống vũ khí tự động lựa chọn và tấn công mục tiêu. Những ý kiến chỉ trích cho rằng hệ thống này sẽ đe dọa đến an ninh quốc tế và báo trước một cuộc cách mạng thứ ba trong chiến tranh sau súng đạn và bom nguyên tử.
Nói như giáo sư khoa học máy tính của Đại học California (Berkeley, Mỹ), ông Stuart Russell, thì các loại vũ khí tự động chắc chắn sẽ trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt, vì một cá nhân có thể kích hoạt hàng triệu, thậm chí là trăm triệu vũ khí cùng lúc.
Vậy, tương lai của thế giới sẽ ra sao nếu như trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển không được kiểm soát? Hay nói cách khác, trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi xã hội loài người ra sao?
Tháng 5/2017, thế giới rất bất ngờ trước việc AlphaGo - trí tuệ nhân tạo được phát triển bởi Hãng DeepMind (dưới sự bảo trợ của Alphabet, công ty mẹ của Google) đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây số 1 thế giới người Trung Quốc là Ke Jie trong 2 trận liên tiếp. Theo giới quan sát, AlphaGo đã thực hiện một số nước đi hết sức bất ngờ đã khiến thần đồng Ke Jie bị sốc khi “nhiều nước đi của AlphaGo không thể nào xuất hiện trong các cuộc tỉ thí giữa người với người”. Trước đó, năm 2016, AlphaGo đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây người Hàn Quốc Lee Sedol với tỉ số cách biệt 4-1.
Chiến thắng này của AlphaGo đã cho thấy những bước tiến lớn của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực yêu cầu chiến thuật, tư duy logic, và bỏ lại con người ở phía sau.
Trí tuệ nhân tạo còn được biết đến với cái tên trí thông minh nhân tạo, một lĩnh vực thuộc ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin. Đây là trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi một cách thông minh như con người. Theo báo cáo của công ty kiểm toán và tư vấn tài chính PwC, đến năm 2030, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 14% nhờ sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo.
Đáng kể nhất hiện nay là AI trong y tế, với công nghệ phát triển như vũ bão, “sóng sau xô sóng trước”. Dự báo tới năm 2024, thị trường này sẽ đạt 11 tỉ USD. PwC nhận định, con người đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới của ngành y tế và trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần định hình hệ thống y tế toàn thế giới theo xu hướng chính xác hơn, nhanh hơn, hiệu quả và khoa học hơn; khi các robot thông minh không chỉ chăm sóc người bệnh, phân tích bệnh án mà còn thay thế bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.
PwC dẫn thông tin từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết, thiết bị trí tuệ nhân tạo đã chẩn đoán đúng 96% số ca ung thư phổi, 93% ca ung thư trực tràng, 81% số ca ung thư ruột già và phân tích, đưa ra hướng dẫn điều trị ung thư phổi, ung thư vú nhanh hơn 24 phút so với bác sĩ.
Một bằng chứng nữa cho thấy sự vượt trội của AI. Đó là việc nghiên cứu điều chế vaccine Covid-19. Thông thường thế giới sẽ phải mất khoảng 10 - 15 năm mới phát triển ra được một loại vaccine, nhanh nhất thì cũng mất 4 năm, như vaccine quai bị. Tuy nhiên, sự góp sức của AI đã phá vỡ điều này khi giúp các nhà khoa học nghiên cứu thành công vaccine ngừa Covid-19 chỉ trong vòng từ 6 tới 8 tháng. Giám đốc điều hành của hãng công nghệ Exscientia (Anh), ông Andrew Hopkins, cho biết, AI sẽ giúp các hãng dược phẩm tìm ra nhiều loại thuốc tiềm năng chỉ với 1/4 thời gian và 1/4 chi phí so với cách thức truyền thống.
Dòng chảy lịch sử và tương lai gần
Nhiều người những tưởng AI là sản phẩm của thời hiện đại, khi công nghệ đã ở mức hoàn hảo. Nhưng thực ra, từ những năm 1880, những nhà nhà khoa học người Italy đã nghĩ ra cụm từ này. Nhưng, nó ẩn thân dưới những sáng chế kỹ thuật nên cũng không mấy người cho đó là trí tuệ thông minh.
Cũng không có bằng chứng xác thực nào được công nhận rộng rãi thời điểm trí tuệ thông minh, cụ thể là robot, bước vào đời sống của xã hội loài người. Tuy nhiên một số người cho rằng, có thể lấy thời điểm mùa hè năm 1956 khi lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo được Trường Đại học Dartmouth (Mỹ) mở ra, với tham vọng “truyền trí tuệ con người vào những cỗ máy”.
Việc đầu tư và quan tâm đến AI đã tăng trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Từ đó, lĩnh vực Machine Learning đã được ứng dụng thành công vào nhiều vấn đề trong học viện cũng như trong ngành công nghiệp nhờ vào sự hiện diện của các máy vi tính ngày càng mạnh mẽ.
Cho tới năm 1974, máy tính mới thực sự phát triển mạnh mẽ, mà phần tuyệt vời nhất chính là chúng có thể suy nghĩ một cách trừu tượng, có thể tự nhận diện và đạt được việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Đến năm 1980, nghiên cứu về AI lại bùng lên với việc mở rộng quỹ hỗ trợ và các bộ công cụ thuật toán. Với kỹ thuật “Deep Learning”, máy tính đã học được trải nghiệm của người dùng.
Năm 2000, giới công nghệ cho rằng đó chính là thời điểm khẳng định hoàn toàn của trí tuệ thông minh - kỷ nguyên mới của AI, với bước ngoặt lớn lao. Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân mà nhiều chính phủ cũng đã đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ thông minh.
Tới nay, không chính phủ nào từ chối trí tuệ thông minh, nhưng sử dụng trong lĩnh vực nào, có nghĩa là chấp nhận nó đến đâu thì không giống nhau.
Tuy nhiên, cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra đã dựa trên những yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Như vậy, có thể thấy, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là sản xuất và dịch vụ thông minh dựa trên đột phá của công nghệ số với sự tiếp sức của trí tuệ nhân tạo.
AI đang biến những điều không tưởng thành hiện thực. Nó làm giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống con người, giúp cứu sống con người nhờ những thao tác chính xác tuyệt đối của các robot. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năng suất của nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất đến dịch vụ, đều sẽ được cải thiện nhờ tự động hóa các hoạt động do con người thực hiện trước đây. Với những sáng tạo mang tính đột phá, trí tuệ nhân tạo đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống.
Nhưng người ta cũng đã thấy mặt trái của AI. Trước hết, nó làm cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khi công nghệ tự động hóa, máy móc có thể làm hầu hết những việc có tính lặp đi lặp lại, mang tính dây chuyền, thao tác đơn giản, yêu cầu độ chính xác cao. Thứ đến là khoảng cách giàu nghèo giữa các nước sẽ nới rộng hơn khi các công cụ trí tuệ thông minh chủ yếu sẽ nằm trong tay các quốc gia giàu có. Cùng đó, tội phạm công nghệ gia tăng, đặc biệt là chiến tranh sử dụng công nghệ cao.
Như vậy, ở nhận thức của con người hiện nay, thì AI là một trong những sản phẩm phi thường của nhân loại, nhưng cũng là “con dao hai lưỡi”. Nói như tỉ phú M.Zuckerberg, ông chủ của Facebook thì: “Người ta nói rằng trí tuệ nhân tạo sẽ làm hại con người trong tương lai, nhưng tôi lại nghĩ, công nghệ có thể được áp dụng vào cả hai hướng tốt và xấu”.
Ngày 29/8/2022, bức tranh “Théâtre D'opéra Spatial” được Jason Allen mang đến triển lãm bang Colorado (Mỹ) đã được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật. Điều đáng nói là trong khi các họa sĩ sử dụng bút vẽ trên máy tính thì Allen tạo ra bức tranh bằng cách ra lệnh cho Midjourney - công cụ vẽ tranh bằng AI.
“Théâtre D'opéra Spatial” mô tả một buổi biểu diễn opera tráng lệ trong không gian.
"Tôi đã giành giải nhất", Jason Allen, với nickname Sincarnate, khoe trên nhóm Discord của cộng đồng Midjourney.
Tuy nhiên, câu thông báo ngắn gọn của Allen đã khơi mào một cuộc tranh cãi. Genel Jumalon, họa sĩ hoạt hình từng đoạt giải ENNIE Award, lên tiếng: "Ai đó đã tham gia một cuộc thi nghệ thuật với tác phẩm do AI tạo ra và giành giải nhất. Thật tồi tệ làm sao". Một tài khoản Twitter thì bày tỏ sự lo ngại trước những thứ AI làm được. "Chúng ta đang chứng kiến cái chết của nghệ thuật diễn ra ngay trước mắt. Nếu những công việc sáng tạo không an toàn trước máy móc thì ngay cả những việc đòi hỏi kỹ năng cao cũng có nguy cơ trở nên lỗi thời. Chúng ta còn gì sau đó?"
Đây không phải lần đầu tiên giới họa sĩ bất bình với những tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Hồi đầu tháng 8, tạp chí The Atlan-tic từng hứng chỉ trích vì một biên tập viên đã sử dụng Midjourney để vẽ minh họa nhân vật cho bài viết, thay vì mua ảnh hay thuê người vẽ.