Kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022): Kinh tế khởi sắc, tăng tốc để “về đích”
Tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội 9 tháng năm 2022 đạt được kết quả tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực. Thu ngân sách Nhà nước tăng 13,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%.
Phục hồi mạnh mẽ
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, kinh tế - xã hội Hà Nội 9 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; thu ngân sách Nhà nước tăng 13,7%. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%. Giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát...
Trong quý III/2022, Hà Nội triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý III tăng 17,7% so với quý trước, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước địa phương quản lý quý III tăng 12,9% và 38,5%.
Trong thành công đó có sự đóng góp không nhỏ từ việc chuyển đổi số. Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận với các nền tảng chuyển đổi số, từ đó có kế hoạch phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, theo ông Sỹ, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các thiết bị, công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.
Định hướng đúng
Theo TS Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, Thủ đô đã và đang định hướng phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị theo hướng này, cần nghiên cứu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Ví dụ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới. Tạo môi trường pháp lý đầy đủ, quy định rõ ràng để phát triển các mô hình kinh tế mới và kiểm soát rủi ro...
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong những tháng cuối năm, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn. Triển khai hiệu quả việc tiêm vaccine phòng Covid -19 cho các đối tượng, nhất là cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi.
UBND TP Hà Nội cho biết: Trong thời gian tới, sẽ triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn, thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025...
Thành phố cũng xác định, tập trung thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề. Tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều hành bình ổn giá phù hợp. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo điện tử và hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trên địa bàn thành phố; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội với phương châm 5 bước: biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa.
Hà Nội chi 778 tỷ đồng làm hầm chui
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2022), ngày 6/10, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khởi công công trình xây dựng hầm chui nút giao Giải Phóng-Kim Đồng với đường Vành đai 2,5. Theo đó, hầm chui có tổng mức đầu tư trên 778 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội, hầm chui nút giao Giải Phóng - Kim Đồng với đường Vành đai 2,5 được xây dựng quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890 m theo hướng đường Vành đai 2,5.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự án được xác định là công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2021-2025, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, việc triển khai đầu tư dự án là cấp bách và cần thiết. Ông Thanh yêu cầu, Ban quản lý dự án chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, nhà thầu, đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định, tuân thủ chặt chẽ quy trình, trình tự, các quy phạm kỹ thuật, đảm bảo chất lương, tiến độ đề ra; thường xuyên theo dõi, kiểm tra kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường...