'Khát' mảng xanh đô thị

LÊ ANH 07/10/2022 08:17

Chưa khi nào, vấn đề “xanh hóa” lại được chính quyền đô thị TP HCM đặc biệt quan tâm như giai đoạn hiện nay. Trong kế hoạch 5 năm gần nhất, đô thị lớn nhất nước muốn tạo quỹ đất tối thiểu 150 ha làm công viên và tăng thêm được 10 ha mảng xanh công cộng.

Một quỹ đất lớn của quận Gò Vấp, TPHCM được quy hoạch làm Công viên Văn hóa cấp quận nhưng triển khai rất chậm.

Nhu cầu cấp thiết

Dân số TP Thủ Đức tại TP HCM tính đến đầu năm nay đã vượt ngưỡng 1 triệu dân, kèm theo áp lực quỹ đất công dành cho mảng xanh đô thị ngày càng “teo tóp”. Hiện TP Thủ Đức được quy hoạch công viên Phú Hữu là một trong bảy quỹ đất lớn của TP HCM để làm công viên. Từ năm 2020, thành phố đã lập kế hoạch đầu tư công và xã hội hóa đầu tư phát triển để tăng thêm khoảng 1 triệu cây xanh. Dù vậy, lãnh đạo thành phố vẫn cho rằng, con số này còn khiêm tốn so với tốc độ đô thị hóa nhanh của đô thị cửa ngõ của TP HCM.

Tại buổi giám sát Chương trình xây dựng các khu công viên trên địa bàn TP Thủ Đức theo quy hoạch giai đoạn 2022 - 2030, bà Mai Thanh Tra - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức cho biết, ở thời điểm hiện tại tỷ lệ đất công viên, mảng xanh công cộng tính theo đầu người của thành phố đạt bình quân 5,34m2/người. Thế nhưng, thành phố muốn nâng chỉ tiêu này lên 6m2/người để đạt quy chuẩn QCVN 01:2019/BXD vào năm 2030 và đảm bảo cho tốc độ gia tăng dân số nhanh của đô thị mới này. Cũng theo bà Tra, khi dân số chạm ngưỡng 1,5 triệu người thì tương ứng diện tích đất công viên cây xanh trên địa bàn phải đạt 900 ha, tức phải tăng thêm được 358,5 ha so với thời điểm hiện tại.

Tình trạng “khát” mảng xanh càng trở nên cấp bách đối với các quận trung tâm (1, 3, 5, 6, 10, 11) của TPHCM do quỹ đất hầu như đã cạn kiệt và chỉ có thể tận dụng cải tạo, cơi nới từ các quỹ đất dân cư hiện hữu và diện tích cải tạo, mở rộng đường giao thông. Trường hợp quận 1 đã cải tạo được công viên bến Bạch Đằng giáp sông Sài Gòn và đưa vào hoạt động từ trước Tết Nhâm Dần. Thế nhưng, công viên này vẫn chưa đạt tiêu chí về mảng xanh cần thiết và cần thêm thời gian để bổ sung thêm cây xanh. Tương tự, do thiếu quỹ đất, UBND quận 5 thường xuyên phải rà soát hàng năm, trong đó có khởi động lại nhiều dự án xây dựng công viên để tạo ra mảng xanh đô thị.

Tại quận Bình Tân, ông Vũ Chí Kiên - Phó Chủ tịch UBND quận này cũng cho biết, địa phương đặt chỉ tiêu xây dựng thêm khoảng 1,5 ha mảng xanh để phục vụ nhu cầu của người dân và tốc độ gia tăng dân cư trên địa bàn. Mảng xanh của quận Bình Tân hiện nay chưa nhiều và chủ yếu mảng xanh nằm trong các khu dân cư. Đại diện lãnh đạo quận Bình Tân cũng chia sẻ nguồn ngân sách đầu tư công của quận được TP HCM phân bổ tập trung chủ yếu cho hạ tầng và trường học, trong khi công viên thì chưa được bố trí vốn để đầu tư tương xứng. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cũng phản ánh tình trạng thiếu các mảng xanh đô thị, trong khi nhiều khu vực quy hoạch làm công viên cây xanh nhưng đang là đất của tổ chức và cá nhân sở hữu, không phải đất do nhà nước quản lý. Cũng theo ông Bình, nguồn kinh phí để tăng thêm quỹ đất cho công viên cũng như mảng xanh là khó khăn lớn nhất hiện nay.

Ưu tiên xã hội hóa

Xã hội hóa để mở rộng thêm diện tích công viên và mảng xanh đô thị là kiến nghị chung của nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức bên cạnh nguồn vốn bố trí hàng năm của UBND TPHCM cho công tác này. Tại hội thảo “Ý tưởng quy hoạch Khu công viên đa chức năng phường Thạnh Xuân và phường Thới An, quận 12” do Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp cùng Sở Xây dựng và UBND quận 12 tổ chức mới đây, đã đưa ra một mô hình cụ thể về xã hội hóa mảng xanh đô thị. Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, để tăng thêm diện tích công viên cây xanh, Sở đã phối hợp UBND quận 12 để rà soát lại quỹ đất công viên và mảng xanh trên địa bàn. Từ đó, lập quy hoạch nghiên cứu, kêu gọi đầu tư dự án công viên tại các phường Thạnh Xuân và phường Thới An. Kết quả, đã có đến 150ha để xây dựng công viên đa chức năng hoàn toàn dựa trên nguồn xã hội hóa phi lợi nhuận để phục vụ cộng đồng. Theo đánh giá chung của Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố, đây là mô hình có thể nhân rộng nhưng cần chính quyền các quận, huyện quyết liệt quan tâm đến công tác này, đồng thời phải xem xã hội hóa đầu tư công sẽ mang giá trị phục vụ cộng đồng hơn là tạo ra lợi nhuận.

Theo KTS Nguyễn Văn Biểu (Giám đốc Công ty TNHH Bhomes) thực tế nhiều năm qua các địa phương vẫn chờ vào vốn ngân sách của UBND TPHCM để đền bù giải tỏa, lấy quỹ đất làm công viên cây xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách thành phố phải ưu tiên cho nhiều lĩnh vực quan trọng giữa bối cảnh lạm phát hiện nay thì rất khó để được bố trí vốn. Mặt khác, cũng rất khó để có thể giao cho một hoặc hai cơ quan, đơn vị nhà nước đứng ra đền bù và lập một công viên đa chức năng, vui chơi giải trí. Do đó, ông Biểu ủng hộ việc xã hội hóa đầu tư công viên và mảng xanh như quận 12 và một số địa phương khác đang triển khai khá hiệu quả.

Nghiên cứu của Viện Sinh thái Miền Nam chỉ ra thực tế, nếu thành phố trồng thêm 1 triệu cây xanh và mở rộng thêm 100 ha diện tích công viên thì tại các khu vực này bức xạ nhiệt sẽ giảm 30-40%, đồng thời cải thiện được hàng triệu tấn khí thải và khói bụi hàng năm. Hiện nay, các nỗ lực của TPHCM vẫn đang tập trung vào việc rà soát và cải tạo phần lớn các dự án công viên còn quỹ đất ở nội đô và các đô thị vùng ven (được quy hoạch lên quận hoặc thành phố). Cụ thể, Sở Xây dựng TPHCM dự kiến tăng quỹ đất cho công viên gấp 30 lần so với thực tế. Riêng giai đoạn từ năm 2021-2025, TPHCM xây dựng và đưa vào hoạt động 23 dự án thuộc Chương trình phát triển công viên cây và cây xanh công cộng, với tổng diện tích được xây dựng lên đến 230 ha...

LÊ ANH