Lương giáo viên và hiện tượng bỏ nghề
Nhiều năm qua, câu hỏi bao giờ nhà giáo sống được bằng lương không chỉ là trăn trở của người trong ngành. Lương giáo viên quá thấp, vậy cơ chế nào để thay đổi?
Qua bảng lương của khối sự nghiệp (văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, truyền thông...) lương của giáo viên các cấp không thấp. Tuy nhiên, chính sách tiền lương của cả khối sự nghiệp là rất thấp so với mức sống của công chức, viên chức hiện nay.
Mặt khác, nếu nhìn theo quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu và nghề giáo có những đặc thù quá riêng biệt thì việc xếp bậc lương cho giáo viên phải là cao nhất trong khối sự nghiệp mới là hợp lý. Hiện nay, Bộ GDĐT đang tích cực đề xuất với Chính phủ về chủ trương tăng lương, với mong muốn nhà giáo được sống bằng lương nghề nghiệp của chính mình.
Mong muốn của Bộ GDĐT cũng khó có thể một sớm một chiều mà có được. Gần đây Bộ Nội vụ đã có phản hồi “chờ chuyển động của nền kinh tế”, nghĩa là chúng ta phải đợi vì chưa có nhiều tiền, đất nước còn khó khăn. Quan điểm này có cơ sở, vì biên chế giáo dục quá lớn, chiếm gần một nửa số biên chế trong khối hành chính sự nghiệp và hàng năm tăng 1,2 % dân số, tức số lượng học sinh không dừng lại, giáo viên ắt phải tăng theo. Chẳng lẽ cứ liên tục tăng lương mãi cho giáo viên? Đây là bài toán quá khó giải cho cấp vĩ mô.
Thiết nghĩ mỗi ngành sẽ tự tìm ra cơ chế đặc thù, hãy “tự cứu” lấy mình trước khi đợi Nhà nước có sự quyết sách lớn hơn về lương của người lao động. Chẳng hạn từ ngày 10/10, Bộ Thông tin và Truyền thông, một ngành trong khối sự nghiệp đã áp dụng Thông tư số 13 của chính Bộ mình, trong đó có quy định cụ thể: Mức lương nhận được sẽ tùy thuộc vào trình độ và khả năng của mỗi người mà không đồng loạt. Quan điểm xếp lương này rất đúng. Từ đó, người mới vào nghề sẽ có mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên, mức lương từ 15 - 20 triệu/tháng hoặc cá biệt có mức lương cao hơn. Ngành giáo dục vừa qua cũng đã thí điểm mô hình nhà trường tự chủ. Kết quả rất khả quan. Trường THPT có quy mô khoảng 12 lớp nhưng do được thực hiện cơ chế tự chủ, hàng năm thu được cả trên trăm tỷ đồng, đủ chi cho hoạt động dạy và học cũng như tăng thu nhập đáng kể cho giáo viên và người lao động.
Một thực tế đặt ra là cần có cuộc khảo sát rộng lớn và sâu tới từng cơ sở giáo dục để khẳng định mỗi giáo viên tổng thu nhập hàng năm là bao nhiêu? Chứ không phải chỉ có nhận định mơ hồ. Có phải họ chỉ sống bằng lương của Nhà nước hay còn có những thu nhập khác từ các loại phụ cấp hay từ qua nguồn lao động hợp pháp trong nghề cũng như ngoài nghề? Từ đó có cách nhìn khoa học và thống nhất về lương của giáo viên.
Vậy giáo viên bỏ việc do lương thấp hay còn nguyên nhân nào? Trong 6 tháng qua, số giáo viên nghỉ việc là 16.000, chiếm khoảng trên 1% tổng biên chế trong ngành, trong khi trong toàn khối sự nghiệp bình quân mỗi năm số người bỏ việc khoảng 0,8%. Như vậy số giáo viên nghỉ việc cũng là cao nhất trong toàn khối.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng giáo viên bỏ việc đó là lương thấp và môi trường làm việc nhiều áp lực. Như thế cả hai yếu tố vật chất và tinh thần của nhà giáo đều không được đảm bảo khiến họ không thể “ấm chỗ” mà cống hiến và yên tâm sống bằng nghề dạy học được. Sự thay đổi trong giáo dục chậm và hiệu quả đổi mới chưa cao, đặc biệt cơ chế quản lý nhà trường còn cũ kỹ không tạo được động lực cho giáo viên yêu nghề, hạnh phúc với nghề. Bạo lực học đường, quan hệ xã hội nhất là cha mẹ học sinh với giáo viên đã nặng tính thị trường, phá bỏ truyền thống cốt cách nhân văn học đường… Dẫn đến giáo viên bỏ việc hoặc chuyển từ trường công sang trường tư.
Lương giáo viên trường tư cao hơn hẳn trường công. Giáo viên trường tư được dạy thêm đúng luật, lương hàng tháng cao tới 15-20 triệu đồng/tháng. Số giáo viên trường tư hiện mới là 11% so với tổng số biên chế giáo viên. Cần có cơ chế mở rộng hơn để có được 30% giáo viên hưởng lương từ khối trường tư. Chắc chắn lúc ấy, gánh nặng biên chế trường công sẽ giảm và lương giáo viên công lập dễ dàng được nâng lên.
Do đó môi trường làm việc là yếu tố rất quan trọng giúp người lao động yên tâm gắn bó với nghề. Đây vẫn là xu thế của nhiều nước trên thế giới.