Chủ động ứng phó, giám sát bệnh đậu mùa khỉ
Sau khi ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM, chiều 6/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Đây là đoàn kiểm tra số 1 trong số 6 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế theo quyết định ngày 3/10.
Cụ thể, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau đó đoàn làm việc tại Bệnh viện Da liễu và kiểm tra công tác cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Dịp này, đoàn kiểm tra cũng họp với các đơn vị của TP HCM.
Theo báo cáo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên là bệnh nhân nữ 35 tuổi đi từ Dubai về. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau, bệnh nhân phục hồi sức khỏe, PCR dịch tiết một số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính.
Được biết, ngay khi TPHCM có ca đậu mùa khỉ đầu tiên, TP Hải Phòng đã yêu cầu các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, xử lý triệt để ổ dịch.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, việc giám sát chặt chẽ nơi cửa khẩu đối với Hải Phòng chủ yếu từ hệ thống cảng biển khi các chuyến tàu từ nước ngoài về cảng. Cùng với đó là Cảng hàng không quốc tế hay khu vực giáp ranh địa bàn Quảng Ninh nơi có đường biên với Trung Quốc. Theo đó, thành phố giao Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, xử lý triệt để ổ dịch.
TP Hải Phòng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải đẩy mạnh việc thực hiện giám sát tại địa phương, dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí…
Cùng đó, ngày 5/10, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết trước thông tin xuất hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM, UBND TP đã chỉ đạo ngành y tế, các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý ca bệnh kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo đó, Đà Nẵng xây dựng 3 tình huống gồm: Chưa ghi nhận ca bệnh tại TP; xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố; dịch lây lan trong cộng đồng. Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, các tình huống được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Bác sĩ Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, phương án phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Hiện các đơn vị, địa phương đang đặt chế độ cảnh giác cao nhất với bệnh đậu mùa khỉ, kịp thời có phản ứng, phương án xử lý phù hợp diễn biến dịch bệnh theo các tình huống đặt ra.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ được lây truyền qua nhiều con đường, trong đó chủ yếu qua đường tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh (còn gọi là đường lây truyền tiếp xúc da với da), thậm chí là qua trung gian vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm… Ngoài ra, virus còn có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của đường hô hấp như nước bọt hoặc dịch nhầy. Nói cách khác, bất kì ai cũng đều có thể bị nhiễm virus đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc với vết thương da, vật dụng cá nhân hoặc chất tiết đường hô hấp của người bệnh.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TPHCM, bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây lan nhưng nó khó lây hơn những bệnh truyền nhiễm khác. Đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid-19 hay bệnh cúm thông thường, thậm chí khả năng lây thấp hơn nhiều so với bệnh đậu mùa, do đó khả năng thành dịch là rất thấp.