Thách thức đối với ngành xuất bản

Minh Quân 08/10/2022 07:15

Những năm qua, hoạt động xuất bản sách ở nước ta cơ bản đã thực hiện những mục tiêu đề ra, với sự đa dạng về thể loại, hấp dẫn về nội dung và hình thức của các đầu sách. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ở lĩnh vực này vẫn còn một số việc cần bàn.

Tại một hội chợ sách. Ảnh: Thúy Tình.

Tác động của cơ chế thị trường

Những thể phủ nhận ngành xuất bản đang đổi mới, từng bước được trang bị theo hướng hiện đại. Thành tựu của công nghệ thông tin đã và đang được thể hiện trong lĩnh vực xuất bản. Đến nay, hầu hết các nhà xuất bản đã thực hiện phương thức khoán, trong đó, phần lớn các nhà xuất bản tiến hành khoán toàn bộ, có nhà xuất bản khoán theo từng bộ phận hay từng khâu công việc. Bên cạnh đó, phương thức huy động vốn cũng được thực hiện với nhiều hình thức năng động nhằm khai thác từ nhiều nguồn để phục vụ cho hoạt động xuất bản.

Tuy nhiên, với sự thay đổi của cơ chế thị trưởng, cũng làm các hoạt động của ngành xuất bản có nhiều biểu hiện của “chệch hướng” so với phát triển chung. Chuyển sang cơ chế thị trường, các nhà xuất bản phải tự lo khâu phát hành, nên gặp không ít khó khăn, dẫn đến sự mất cân đối giữa cơ cấu và số lượng xuất bản sách. Không những vậy, những biểu hiện của xuất bản tư nhân đã xuất hiện và đang tác động vào hoạt động xuất bản. Mặc dù, theo pháp luật hiện hành, Nhà nước không cho phép thành lập nhà xuất bản tư nhân, nhưng trên thực tế, mỗi khâu của quy trình xuất bản, hoạt động của tư nhân tác động và chi phối ít nhiều đến hoạt động xuất bản.

Theo PGS.TS Lê Văn Yên - nguyên Ủy viên chuyên trách Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, về hình thức sách, xuất hiện khuynh hướng không lành mạnh là biến “lâu đài của trí tuệ thành phương tiện quảng cáo” đã và đang xuất hiện trên một số sách. Hiện tượng lai ghép sống sượng, lăng xê những hình ảnh lố lăng, thiếu thẩm mỹ lên bìa sách; nghệ thuật đồ họa đang bị nghệ thuật “cắt dán” và “lai ghép” cạnh tranh. Đội ngũ cán bộ xuất bản dù có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển ngày càng cao của cơ chế thị trường, mà biểu hiện là khả năng thích ứng chậm với công nghệ mới và trong hạch toán kinh doanh.

Cũng theo ông Yên, về công nghệ xuất bản, do xuất bản sách điện tử ở nước ta mới ở giai đoạn phát triển khởi đầu, nên việc trang bị thiết bị, máy móc ứng dụng của nhà sản xuất và đối tượng người dùng ở nước ta còn nhiều hạn chế và chưa được đầu tư nhiều. Việc công nghệ chưa theo kịp các nước tiên tiến dẫn đến nhiều khó khăn trong ứng dụng các thành quả khoa học hiện đại vào xuất bản. Đồng thời chưa tạo được chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, in và phát hành để giúp bạn đọc tiếp cận và sử dụng thành thạo sách điện tử.

“Cùng với thông tin mạng tràn lan, sách điện tử ra đời đang là thách thức đối với sách in truyền thống và phải chia sẻ thị trường. Đây thực sự là những vấn đề đang đặt ra và thách thức đối với hoạt động xuất bản nước ta hiện nay” - PGS.TS Lê Văn Yên bày tỏ.

Tìm hướng đúng quỹ đạo

Có thể nói, khuynh hướng “thương mại hóa” của ngành xuất bản đã và đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Ở đó, một trong những thực trạng nhức nhối hiện này là tình trạng in và phát hành sách lậu diễn ra ở nhiều loại sách, gây thiệt hại cho tác giả, cho các nhà xuất bản và cho xã hội cả trên phương diện văn hóa, chính trị, tư tưởng và kinh tế. Công tác quản lý còn bị buông lỏng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chậm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa có tác dụng răn đe.

Để “con tàu” của ngành xuất bản đi đúng quỹ đạo, PGS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương cho rằng, đối với các nhà xuất bản, việc phân tích, khảo sát, đánh giá thị trường sách phải trở thành một nhiệm vụ lớn, từ đó phân khúc thị trường và xác định thị trường mục tiêu của chính các đơn vị. Cũng theo ông Dũng, trong mối quan hệ giữa định hướng và đáp ứng nhu cầu, cần tổ chức xuất bản đồng thời hai loại sách. Đó là, sách phổ cập cho quảng đại quần chúng để nâng cao mặt bằng dân trí, xây dựng xã hội học tập và sách chất lượng cao, chuyên sâu phục vụ cho sự phát triển của khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.

“Nếu nhìn từ quan hệ giữa định hướng và đáp ứng nhu cầu, giữa xuất bản và thị trường sách ở mức độ vĩ mô, sẽ đặt ra một vấn đề lớn. Đó là hệ thống và mô hình tổ chức các nhà xuất bản, công tác phát hành và cả công tác quản lý nhà nước về xuất bản. Phải chăng, hệ thống, mô hình tổ chức các nhà xuất bản của nước ta đến nay đã có dấu hiệu lạc hậu?” - PGS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) từ thực trạng văn hóa đọc hiện nay, cần tăng cường đầu tư cho xuất bản và thư viện để triển khai các chương trình chuyển đổi số ngành thư viện, Đề án Sách quốc gia, các chương trình phát triển văn hóa đọc cho các đối tượng yếu thế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có hình thức tôn vinh, khích lệ các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, đóng góp đối với phát triển văn hóa đọc thỏa đáng, thiết thực hơn nữa…

“Bổ sung quy định cụ thể về miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp có hỗ trợ, đóng góp lớn; miễn, giảm thuế đối với các trang thiết bị và sách ngoại nhập hoặc các nguồn hỗ trợ từ nước ngoài; tạo cơ chế thông thoáng cho các thư viện trong việc tiếp nhận hỗ trợ phát triển văn hóa đọc từ nước ngoài” - bà Ngà nói.

Khai mạc Hội Sách Hà Nội 2022

Ngày 7/10, tại Hà Nội, sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức khai mạc Hội Sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2022 với chủ đề “Truyền thống và hội nhập”.

Với chủ đề “Truyền thống và hội nhập”, Hội sách năm nay có sự tham dự của 35 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước; tiếp tục trở thành một điểm hẹn văn hóa yêu thích của các độc giả yêu sách, góp phần lan tỏa và nâng cao văn hóa đọc đến với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước qua nhiều hoạt động của các nhà xuất bản, công ty sách như: Tọa đàm, ra mắt Bộ sách “Vương triều trên đất Thăng Long” với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Vũ Văn Quân, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ; tọa đàm xung quanh lịch sử dời đô của vua Lý Công Uẩn và những thành tựu rực rỡ của triều Lý với bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” (gồm 4 tập) của nhà văn Hoàng Quốc Hải

Hoàng Minh

Minh Quân