'Chìa khóa' để ổn định thị trường lao động
Để đảm bảo nguồn cung lao động ổn định trở lại, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động để họ yên tâm làm việc. Cùng với đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện thu nhập người lao động.
Tín hiệu vui từ thu nhập của người lao động
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III năm 2022 đã duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng.
Cụ thể, so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2022 là gần 1,06 triệu người, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 658,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143.000 đồng so với quý trước.
So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 31,9% - đạt 7,7 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng, tăng 29,4%. Trong khi đó, nhân sự làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,9 triệu đồng, tăng 16,6%.
“Sự phục hồi của nền kinh tế trong quý II và đặc biệt là quý III đã làm thu nhập bình quân của người lao động trong 2 quý này tiếp tục gia tăng, góp phần ổn định an sinh xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động” - ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Vẫn bộn bề nỗi lo
Mặc dù thị trường lao động trong quý 3 đã có nhiều điểm sáng, nhưng theo các chuyên gia, thị trường lao động vẫn tiềm ẩn sự mất cân đối cung – cầu lớn, đặc biệt là ở những vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp – khu chế xuất. Vẫn còn một lượng lớn người lao động bị thất nghiệp, giảm việc làm đồng nghĩa với giảm thu nhập, trong khi giá cả sinh hoạt thiết yếu đều tăng khiến cuộc sống của không ít người lao động gặp khó khăn.
Đề cập đến câu chuyện lương tăng nhưng cuộc sống người lao động vẫn khó khăn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH, quy định của Bộ luật Lao động về tiền lương tối thiểu hiện nay là người lao động làm việc 26 ngày/tháng, 8 giờ/ngày thì doanh nghiệp mới đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động.
Theo bà Hương, cách tiếp cận đó chưa phải là tối ưu nhưng là phương pháp tiếp cận khá tốt; dựa trên 2 nguồn số liệu rất cơ bản là điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và điều tra lao động việc làm. Tuy nhiên, cũng qua điều tra cho thấy, chi phí về mức sống thấp đi do người lao động không khai báo 25 - 30% chi phí khác. Đây là lý do dù tính mặt bằng chung lương tăng nhưng thực tế chất lượng cuộc sống người lao động không tăng.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy - cho biết, mức bình quân chung theo khảo sát của công đoàn cơ sở 6 tháng đầu năm 2022 là 5,68 triệu đồng/tháng. So mức lương tối thiểu vùng 2 năm trước, Chủ tịch công đoàn cơ sở này khẳng định người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu và có thể dự phòng. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại, thực sự tiền lương với người lao động là không đủ sống.
Bà Phương Anh cho hay, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca đến 18 - 19 giờ tối. Vì vậy họ bắt buộc phải gửi con tại các trường tư thục, cho nên chi phí cũng sẽ tăng. Tính toán với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 đứa con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng - tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.
Nhận định về bức tranh lao động cũng như đời sống của người lao động, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến người lao động theo nhiều hình thức, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu nhập mà còn khiến nhiều lao động thay đổi địa điểm làm việc, chuyển đổi công việc, ngành nghề.
Do vậy, trước mắt, để đảm bảo nguồn cung lao động ổn định trở lại, các địa phương cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động để họ yên tâm làm việc ổn định. Bên cạnh đó, để tiến tới ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện thu nhập người lao động, nâng cao đời sống người dân.
Còn theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, nâng cao chất lượng nguồn cung lao động, từ đó, cải thiện năng suất lao động là “chìa khóa” để ổn định thị trường lao động và nâng chất lượng đời sống cho người lao động. Theo đó, các địa phương đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp nguồn lao động kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn.
Tổng cục Thống kê đã đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng và khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, phúc lợi, để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài. Đây là giải pháp thiết yếu, cải thiện về chất lượng cuộc sống thực sự cho người lao động.