Bệnh đậu mùa khỉ: Khả năng lây lan rất thấp
Ngay sau khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ tại TP HCM, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM cho rằng, với một ca bệnh từ nguồn nhập cảnh, khả năng lây lan ra cộng đồng rất thấp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh
Bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Ngày 23/7/2022, WHO công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến nay, thế giới đã ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 nước trên thế giới, trong đó, có 25 trường hợp tử vong. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, khoảng 99% trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên thế giới là nam giới và 98% trong số đó liên quan đến nam quan hệ tình dục đồng giới.
Khi Việt Nam phát hiện ca mắc đầu tiên hồi cuối tháng 9 vừa qua, nhiều người tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng nhưng cần cẩn trọng phòng ngừa, nhất là người thuộc cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) bởi đây là đối tượng nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất.
Đồng quan điểm, BS Đỗ Cao Vân Anh - Phó trưởng Khoa Nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM cũng cho rằng, việc phát hiện một ca đậu mùa khỉ từ người nhập cảnh là không quá nghiêm trọng. Do đó, người dân nên bình tĩnh vì bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid-19. Riêng với đậu mùa khỉ, người bệnh phải tiếp xúc gần, cọ xát, vùng da tiếp xúc có xây xước, dịch của nốt đậu mùa mới truyền qua người lành và gây bệnh.
Đánh giá về nguy cơ bùng phát bệnh này ở Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết ca bệnh đầu tiên đã được cách ly, xét nghiệm âm tính, những trường hợp tiếp xúc gần chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ. Ngoài ra, thời gian vừa qua, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan trong một quần thể hẹp như ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới.
Ông Phu nhấn mạnh: Đậu mùa khỉ lây truyền khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc sờ chạm lâu vào quần áo, chăn gối, ga của người bệnh. Trong khi đó, nCoV và các biến chủng rất dễ lây lan, đặc biệt trong phòng kín, qua tiếp xúc, nói chuyện. Do đó, nguy cơ bùng dịch rất ít, người dân không nên quá hoang mang. Theo ông Phu, việc quan trọng nhất đối với các địa phương là phải tăng cường công tác giám sát tại cửa khẩu. Xác định chính xác ca mắc nhập khẩu hay nội địa để đánh giá được tình hình, nhằm đưa ra các ứng phó phù hợp.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP HCM, cho biết để phát hiện bệnh đậu mùa khỉ cần phải thông qua 3 yếu tố. Thứ nhất là dịch tễ. Phải là những người có nguy cơ tiếp xúc gần, cọ xát với người bị đậu mùa khỉ thì mới lây bệnh, còn người chưa bao giờ tiếp xúc với người bị đậu mùa khỉ thì không thể mắc được. Thứ hai là triệu chứng. Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương đối là “cổ điển”, tức là đầu tiên có sốt, sau đó phát ban đỏ, đặc biệt là nổi hạch, mụn nước… Thông thường khi xuất hiện các biểu hiện này người bệnh sẽ đi khám, những trường hợp không đi khám là rất cá biệt. Thứ ba là xét nghiệm. Với người bình thường thì căn cứ trên dịch tễ và dấu hiệu lâm sàng.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần báo cho cơ quan y tế gần nhất để được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đúng quy định.
Thế giới hiện có 2 loại vaccine phòng ngừa đậu mùa khỉ được Mỹ cấp phép sử dụng, đều là vaccine virus sống. Vaccine có lộ trình hai liều, tiêm cách nhau 4 tuần, dành cho người trên 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không tiêm đại trà vaccine này, chỉ dùng cho nhóm nguy cơ cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, bệnh đậu mùa khỉ ủ bệnh từ 6-13 ngày, không phát hiện triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Đến giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, kèm đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Ở giai đoạn này, virus có thể lây sang người khác. Giai đoạn toàn phát thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày với sự xuất hiện của các ban, mụn nước trên da. Ở thể nhẹ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vòng từ 2 - 4 tuần. Tuy nhiên, với những nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn tiến nặng, tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.