Tăng cường 'kỷ luật sắt' của Đảng
Tại Hội nghị Trung ương 6, vấn đề kiểm soát quyền lực đã được đề cập đến tại 2 nội dung quan trọng được Trung ương cho ý kiến. Theo PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ đảng viên phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật và phải nêu gương.
PV:Thưa ông, trong tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, vấn đề kiểm soát quyền lực đã được đề cập cụ thể. Vậy làm sao để kiểm soát tốt được quyền lực?
PGS.TS Lê Quốc Lý: Đầu tiên, không để ai có quyền lực một cách tuyệt đối. Mỗi người phải bị giám sát bởi người khác. Chúng ta không tam quyền phân lập nhưng các cơ quan công quyền của Nhà nước phải kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Tất cả các vị trí lãnh đạo đều phải có người giám sát. Đặc biệt tăng cường “kỷ luật sắt” của Đảng, không để tình trạng “nhờn” trước các quy định của Đảng.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ việc “chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ”. Vậy phải chăng công tác cán bộ vẫn còn “ngoài tầm” kiểm soát?
- Vừa qua trong đề bạt cán bộ có rất nhiều địa phương bộc lộ tình trạng “nhờn”. Chúng ta vừa xử lý trường hợp tại Quảng Nam, Đà Nẵng xong thì lại xảy ra các trường hợp tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, cán bộ đưa con mình vào các vị trí lãnh đạo. Sau khi dư luận xã hội có ý kiến thì lại dừng. Đó là biểu hiện rõ nhất của sự “nhờn”.
Đảng phải “nói đi đôi với làm”, bất kỳ ai “nhờn” pháp luật, “nhờn” quy định của Đảng phải bị kỷ luật, điều chuyển, đặc biệt không để lợi ích nhóm, quan hệ địa phương. Luân chuyển cán bộ phải dứt khoát, minh bạch trong điều chuyển.
Lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang “quy hoạch lẫn nhau”, đẩy nhau lên vị trí đó chứ không phải chọn người tài. Quyền quyết định vẫn do người đứng đầu do đó phải có sự kiểm soát lẫn nhau và tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi nói ví dụ một ông thủ trưởng đề bạt cấp phó mà cấp phó của mình vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự vậy ông thủ trưởng chịu trách nhiệm thế nào? Chúng ta phải trả lời được câu hỏi đó trước dân.
Đã đến lúc sàng lọc cán bộ, loại bỏ đảng viên vi phạm, để đưa người khác lên thay. Trong 5 triệu đảng viên còn nhiều nhân tài, người trung kiên, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đất nước. Họ sẵn sàng đấu tranh trước cái xấu, hy sinh lợi ích của mình cho sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước. Như thế Đảng mới tồn tại và phát triển.
Để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì phương thức lãnh đạo của Đảng phải rõ ràng minh bạch hơn trong công tác cán bộ. Không cho phép người có quyền lực đề bạt bổ nhiệm người thân. Chưa kể hiện đang có sự “mặc cả” đó là ông đề bạt con tôi thì tôi ủng hộ con ông. Tình trạng này không phải là hiếm, cho nên phương thức lãnh đạo của Đảng phải thay đổi mạnh mẽ hơn.
Thưa ông, vấn đề “tăng cường kiểm soát quyền lực” còn được đề cập đến khi Trung ương cho ý kiến về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo ông cần cụ thể hóa vấn đề trên như thế nào?
- Phải dứt khoát, quyết liệt và minh bạch, rõ ràng trách nhiệm, có kiểm tra giám sát lẫn nhau để không ai được đứng trên pháp luật. Đảng hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối các nghị quyết của Đảng bằng pháp luật. Cho nên thực hiện đúng theo pháp luật chính là thực hiện đúng theo đường lối chính trị, cương lĩnh, nghị quyết chiến lược của Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, và phải nêu gương. Với tư cách của người đảng viên phải gương mẫu, sống chấp hành pháp luật tốt hơn nhân dân. Bởi mình là người dẫn dắt và làm gương cho nhân dân.
Chúng ta điều hành theo pháp luật. Pháp luật chính là cụ thể hóa của cương lĩnh, đường lối, chiến lược của Đảng. Không ai có quyền đứng trên pháp luật, nghĩa là đứng trên cương lĩnh đường lối của Đảng.
“Kỷ luật sắt” với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương thì các đảng viên khác tất yếu sẽ phải làm đúng pháp luật. Trên không nghiêm dưới tắc loạn. Vừa rồi tại Hội nghị Trung ương, đã cho 3 Ủy viên Trung ương bị kỷ luật cảnh cáo ra khỏi Trung ương là việc làm mạnh mẽ. Chúng ta không sợ kỷ luật thì không có người làm. Vì trong 5 triệu đảng viên có rất nhiều người tài. Cán bộ đảng viên vi phạm phải bị kỷ luật.
Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật và dám nói sự thật. Như thế mới chọn được đội ngũ tinh hoa, có được người lãnh đạo vì dân vì nước, đưa đội ngũ lãnh đạo đất nước ngày càng vững mạnh, phát triển như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chúng ta phải có khát vọng làm cho dân tộc này đàng hoàng hơn, người Việt Nam giàu mạnh hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!