Người dân bất an với mỏ đá Hồng Trường
Chỉ trong một thời gian ngắn, mỏ đá xây dựng tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) liên tiếp gây ra nhiều vụ nổ mìn khiến nhà dân bị hư hỏng, thậm chí gây thương tích cho nhiều người, có cả trẻ em, ảnh hưởng đến đời sống và uy hiếp đến tính mạng của người dân sống gần mỏ đá.
Liên tiếp vi phạm
Chị Cụt Thị Anh (37 tuổi) trú bản Kim Đa nhớ lại: Vào chiều tối 3/4, chị và nhiều người khác đang ngồi trước hiên nhà, bỗng nhiên có tiếng nổ lớn phát ra từ mỏ đá Hồng Trường, do Công ty TNHH Hồng Trường (DN Hồng Trường) làm chủ mỏ. Sau tiếng nổ, đá bay thẳng vào nơi chị ngồi cùng như 1 phần bản Kim Đa. “Nhà mình bị 6 viên đá bắn thủng mái, một số văng trúng người. Ngay lập tức tôi chạy vào nhà để tránh, sau đó được đưa đi bệnh viện. Sau khi ra viện, nhiều vết bầm tím kéo dài nhiều tuần sau mới khỏi” - chị Cụt Thị Anh nói.
Theo thống kê, vụ nổ mìn vào chiều 3/4 tại mỏ đá Hồng Trường đã làm 23 ngôi nhà bản Kim Đa bị hư hỏng, 2 người bị thương. Sau sự việc, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt DN Hồng Trường với số tiền 85 triệu đồng.
Tưởng chừng sau khi bị xử phạt, DN này rút ra bài học và có hướng khắc phục. Vậy nhưng, chỉ 5 tháng sau, vào 11h ngày 14/9 cũng tại mỏ đá của DN Hồng Trường tiếp tục nổ mìn khai thác đá. Ngay lập tức, những viên đá bay ào ào xuống nhà dân ở bản Kim Đa. Qua thống kê, đã có ít nhất 6 nhà dân bị đá bắn thủng mái fibro xi măng và ngói.
Theo ông Cụt Văn Thắng - Trưởng bản Kim Đa, vụ nổ mìn vào ngày 14/9 của mỏ đá Hồng Trường làm đá văng vào nhà người dân khiến 1 bé gái bị thương. Bé gái này chỉ mới hơn 1 tuổi, cháu của ông Cụt Văn Lan. “Bé gái đang đắp chăn ngủ một mình trên giường thì đá bay xuống nhà, làm vỡ mái ngói. Rồi những viên ngói này rơi xuống trúng vào người cháu” - ông Thắng cho biết thêm.
Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, mỏ đá xây dựng của DN Hồng Trường đã gây ra 2 vụ nổ, ảnh hưởng đến người và tài sản của người dân sống xung quanh, khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng.
Theo lãnh đạo xã Phà Đánh, từ nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều bức xúc, phản ánh về những tình trạng này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Mỏ đá có vi phạm khoảng cách?
Theo báo cáo của UBND xã Phà Đánh, DN Hồng Trường được cấp phép khai thác đá tại đây từ năm 2004. Khu vực mỏ đá của DN Hồng Trường cách nhà dân gần nhất chỉ chừng 200m. Tuy nhiên, vụ nổ mìn này đã khiến những tảng đá lớn, nhỏ văng xa tới 400m. Sau 2 vụ nổ mìn khiến đá bay vào nhà dân, UBND xã Phà Đánh đã thành lập đoàn xuống hiện trường kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, báo cáo lên huyện để xử lý, đồng thời làm công tác tư tưởng cho người dân.
Theo ước tính của UBND xã Phà Đánh, tổng thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân bản Kim Đa do DN Hồng Trường nổ mìn gây ra khoảng 120 triệu đồng.
Trước những vi phạm trên, DN Hồng Trường đã bị UBND huyện Kỳ Sơn đình chỉ hoạt động nổ mìn tại mỏ đá với thời hạn 3 tháng, đình chỉ hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ 3 tháng. Đồng thời, xử phạt đơn vị này 285 triệu đồng với các lỗi vi phạm như: Khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt. Hộ chiếu nổ mìn không phù hợp với thiết kế nổ mìn đã được lập, phê duyệt. Vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Sử dụng người chưa được huấn luyện, kiểm tra cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Ngoài ra, sau khi khắc phục xong những vi phạm trên, DN Hồng Trường buộc phải khai thác đúng phương pháp khai thác quy định trong giấy phép; đổ thải đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt.
Điều đáng nói, qua quan sát của chúng tôi, mỏ đá của DN Hồng Trường nằm khá sát với khu vực bản Kim Đa, chỗ gần nhất là khoảng 200m. Tuy nhiên, theo Thông tư 20/2009/TT-BCT quy định thì “Nơi làm việc, công trình trong phạm vi khai trường phải thực hiện theo đúng quy định an toàn và phòng, chống cháy; khoảng cách đến khu vực khai thác tối thiểu là 500m, phải ở ngoài vùng nguy hiểm của bán kính nổ mìn đã được quy định trong thiết kế”.
Đối chiếu vào mỏ đá của DN Hồng Trường thì rõ ràng, khoảng cách giữa mỏ đá với nhà dân chưa phù hợp với Thông tư nói trên. Điều này cũng được ông Lê Hồng Nhi - Giám đốc DN Hồng Trường thừa nhận và cho rằng: “Mỗi lần nổ mìn, đá có bay vào nhà dân, đều do lỗi kỹ thuật; song thực tế cũng là do mỏ đá ở khá gần nhà dân”. UBND tỉnh Nghệ An cần rà soát, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc cấp phép khai thác mỏ đối với DN Hồng Trường.
Không chỉ bị uy hiếp bởi những vụ nổ mìn, người dân ở đây cũng phải hứng chịu bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn từ mỏ đá. Chưa kể, những đợt mưa lớn, đá mịn từ khu vực mỏ đá chảy tràn xuống rẫy của người dân bên cạnh, khiến họ không thể sản xuất được.