50 năm gìn giữ, tôn tạo di tích Hồ Hữu Tiệp

Vân Vân 10/10/2022 14:00

Trong suốt 50 năm qua, không chỉ Ban Quản lý di tích, những người dân sinh sống xung quanh khu vực hồ Hữu Tiệp thuộc làng Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội) cũng có cách thức quản lý riêng để cùng chung tay gìn giữ, tôn tảo nơi “an nghỉ” của “pháo đài bay” B.52.

Khu di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp – nơi an nghỉ của “pháo đài bay” B.52. Ảnh: CTV.

Trong số những chứng tích của chiến tranh còn sót lại, hồ Hữu Tiệp được xem là minh chứng sống của lịch sử, ghi lại bức tranh về một thời kháng chiến anh hùng.

Đêm 27/12/1972, một chiếc B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn hạ và rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). Từ đó, xác chiếc máy bay trở thành biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và là niềm tự hào của người dân làng Ngọc Hà cũng như của cả dân tộc Việt Nam.

Ở làng Ngọc Hà, quận Ba Đình không ai là không biết đến chứng tích về chiếc máy bay B.52 đã từng được quân và dân ta bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp. Ông Phạm Đình Tính (87 tuổi), người dân sinh sống tại làng Ngọc Hà dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn nhớ như in ngày máy bay rơi xuống hồ. Trầm ngâm nhớ lại khoảnh khắc đã đi vào trang sử, ông kể, lúc máy bay rơi, tôi đứng ở cuối hồ quan sát, từng khoảnh khắc đến giờ vẫn hằn sâu trong trí nhớ.

“Năm ấy, chiến tranh dữ dội, người già, trẻ nhỏ ở làng Ngọc Hà đã đi sơ tán gần hết. Năm ấy tôi được cắt cử ở lại giữ làng. Tôi vẫn nhớ như in, gần 23h đêm ngày 27/12/1972, khi chiếc máy bay cuối cùng chưa kịp cắt bom đã bị bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam bắn rơi. Máy bay rơi ở đầu hồ thì tôi đứng ở cuối hồ quan sát.

Khi đó làng Ngọc Hà toàn hoa nhìn rất rõ, đây là một bộ phận thân của máy bay. Tôi đứng ở ngay gần hồ này thì nhìn thấy một cái gì đó rất to và đỏ rực như quả cầu lửa lao từ phía Tây vào làng rồi rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Khi nhìn thấy nó cháy và rơi xuống chúng tôi thật sự kinh hãi, nhưng rất may nó rơi xuống hồ. Anh em chúng tôi ôm nhau vui sướng hô vang bộ đội bắn rơi máy bay rồi”, ông Tính vừa nhớ lại cảm giác sung sướng lúc ấy vừa cao giọng đầy tự hào nói một cách hào sảng.

Không chỉ có người già, người trung niên, lớp trẻ cũng được truyền tai về di tích Hồ Hữu Tiệp. Những câu chuyện về thời chiến tranh oanh liệt của cha ông, tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Dù đi đâu, làm gì, người dân làng Ngọc Hà vẫn tự hào về chiến tích của quân và dân ta năm ấy.

Sinh sống tại làng Ngọc Hà gần nửa đời người, bà Đoàn Thị Hiển (70 tuổi, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) vốn được xem là “già làng” – người hiểu rõ nguồn gốc di tích về trận đánh 50 năm trước của quân và dân ta, về chiếc máy bay đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp.

“Gần 50 năm qua đi, di tích chiếc máy bay rơi tại làng Ngọc Hà vẫn luôn là niềm tự hào của không chỉ riêng làng Ngọc Hà mà còn niềm tự hào của cả nước. Di tích máy bay B.52 đã và đang đi qua bao thăng trầm, đổi thay của đất nước, chứng kiến những đổi mới của dân làng và của cả đất nước”, bà nói giọng cao vút đầy tự hào.

Có lẽ không chỉ riêng bà Hiển, ông Tính, những người dân sinh sống quanh khu vực hồ Hữu Tiệp nói riêng và người dân làng Ngọc Hà nói chung, sự kiện máy bay B.52 rơi tại địa bàn là sự kiện đáng tự hào ghi lại chiến thắng của quân và dân ta trong trận chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Trong đó, người dân góp một phần bé nhỏ giữ đất, giữ làng trong chiến tranh.

Tuy nhiên, sau gần 50 năm với những tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội, di tích đã xuất hiện những dấu hiệu của việc xuống cấp. Đây cũng là điều khiến ban quản lý di tích và người dân làng Ngọc Hà trăn trở, suy nghĩ trong suốt nhiều năm. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, trong 50 năm qua, người dân, Ban Quản lý di tích phường Ngọc Hà cũng chú trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị lịch sử xung quanh khu di tích Hồ Hữu Tiệp.

Hiểu được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, tôn tảo di tích hồ Hữu Tiệp, chiều đến, không ai bảo ai, mỗi người một việc, người dân Ngọc Hà lại chung tay vệ sinh xung quanh con đường dẫn vào di tích. Với người dân làm ăn, buôn bán quanh khu vực hồ Hữu Tiệp ý thức bảo quản thẩm mỹ cho di tích nơi “an nghỉ” của “pháo đài bay” B.52 vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vừa phát huy truyền thống yêu nước và những giá trị bền vững của văn hóa Việt Nam vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vân Vân