Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn: Giữ gìn những gì còn sót lại trong kí ức
Gần 20 năm với 30 đầu sách của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn viết về Hà Nội đã ra đời, nhưng với ông, hình như mới chỉ chạm đến một phần rất nhỏ của Hà Nội. Bởi ông tâm niệm, Hà Nội còn quá nhiều thứ để viết.
Hà Nội với Đỗ Phấn không chỉ đẹp đẽ về mặt hình ảnh. Sau gần 40 năm cầm bút vẽ ông cố gắng miêu tả nó và đã có những thành công nhất định. “Nhưng chợt một hôm, tôi phát hiện ra rằng cái mà mình chưa thể nói được bằng hình ảnh mới chính là cái phần quan trọng nhất làm nên Hà Nội. Đó là cách sống của con người ở đất này”, họa sĩ Đỗ Phấn chia sẻ.
“Chính vì thế, tôi quyết định bắt tay vào viết khi tuổi đời đã tròm trèm 50. Và công việc này đã cuốn tôi đi gần 20 năm với 30 đầu sách viết về Hà Nội đã ra đời. Cái cách sống nhiều đời Hà Nội đã làm nên cốt cách con người ở nơi đây dù rằng luôn bị các hoàn cảnh ngoại lai trà trộn vào. Tôi tin rằng cốt cách ấy là một khái niệm bền vững. Nó chậm rãi, khoan hòa nhưng cũng không kém phần quyết liệt, bay bổng. Thực ra số người Hà Nội cũ giờ đây không còn nhiều. Hoặc dù có còn nhiều thì cũng buộc phải hòa đồng vào lối sống mới của đa số. Họ chỉ như một giọt mực rỏ xuống hồ Tây thôi, sức ảnh hưởng của họ là không nhiều. Và độ lan tỏa hình như ngày một bị thu hẹp. Chẳng sao cả. Ta vẫn có thể nhận ra họ ở những chốn xô bồ như những tấm gương để mỗi người tự soi lại mình”.
Theo Đỗ Phấn, viết về phố là điều khó khăn. “Đơn giản vì hình như hầu hết các nhà văn đều đã viết về nó. Để tìm ra điều gì các nhà văn chưa tìm đến là việc rất khó. Tôi có lựa chọn cho riêng mình. Đó là cuộc sống bình thản chậm rãi xảy ra quanh mình. Gọi là hiện thực cũng được mà nói rằng hư cấu cũng chẳng sai. Chẳng biết như thế có làm nên cốt cách của một người viết không, nhưng tôi tin chắc rằng đó là những gì cần phải viết ra”.
Một trong những điều làm nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn cảm thấy thú vị nhất khi viết về Hà Nội chính là những thay đổi thần tốc của nó: “Luôn luôn mỗi ngày khi phát hiện ra một điều gì thay đổi thì phản xạ trong thao tác viết của tôi sẽ là lục tìm trong kí ức. Ở đó có những đối trọng cần thiết cho việc cấu tứ. Tôi không nằm trong số những người Hà Nội quá lưu luyến với ngói nâu tường cũ. Tuy nhiên, kí ức về nó luôn hiện ra đẹp đẽ thanh bình. Và tự đặt ra cho mình mục đích khi viết là cố gắng gìn giữ những gì còn sót lại trong kí ức.
Vẻ đẹp về mặt hình ảnh của Hà Nội cũng là thứ cuốn hút người Việt. Nhưng lối sống và cách ứng xử của người Hà Nội mới làm nên cốt cách của họ. Tôi còn nhớ khi nhỏ tuổi, lũ trẻ chúng tôi thường hay gọi nhau í ới vang rền khắp phố. Mỗi lần nghe thấy lũ trẻ gọi nhau như vậy là bà nội gọi tôi vào nhà. Nhẹ thì cụ nghiêm mặt nhắc nhở rằng chỉ có đám du thủ du thực ngoài phố mới gọi nhau như thế. Nặng hơn có thể ăn vài chiếc phất trần. Giờ đây như ta thấy không còn bất cứ đứa trẻ nào gọi nhau như vậy trên phố. Tất nhiên cũng có phần đóng góp của chiếc điện thoại di động. Nhưng phương tiện ấy chưa được dùng phổ biến lắm ở nông thôn.
Người Hà Nội trước đây một thời gian dài bị du nhập tính hiếu kì từ các nơi khác mang đến. Tính cách này phát triển mạnh nhất thời bao cấp. Đại khái trên đường có xảy ra bất cứ chuyện gì cũng xúm đen xúm đỏ vào bàn tán nghe ngóng. Nhưng tính cách này hiện đã được đào thải khỏi cuộc sống. Người ta lại bắt đầu quay lại cư xử như nếp cũ. Nếu có thể giúp được gì cho người khác thì làm ngay không chờ đợi. Nếu không, cũng sẽ không còn ai xúm xít vào sự kiện chỉ để nghe ngóng. Sẽ có người chê tính cách lạnh nhạt thờ ơ này của người Hà Nội. Nhưng tôi thì thấy nó rất hay. Nó chính là cốt cách của những thị dân lâu đời được hình thành ngay từ chính cuộc sống xô bồ ồn ã ở nơi này.
Những nền nếp cũ giờ đây được người Hà Nội quan tâm phục hiện lại khá nhiều. Đơn cử như cách ăn uống thôi chẳng hạn. Đã có vài câu lạc bộ ẩm thực là nơi để các đầu bếp Hà Nội chính cống trao đổi và học hỏi chế biến những món ăn đặc sắc.
Tuy nhiên với tôi thì cách thức tiến hành một bữa, một món ăn còn quan trọng hơn nhiều. Với nấu ăn, tôi tin có thể phục hiện lại được hầu hết các món. Nhưng cách ăn thì còn là điều rất cần phải thảo luận nhiều hơn. Đó là nơi không những cần phải tôn trọng người khác mà còn là nơi thể hiện nét văn hóa trong ăn uống. Người Hà Nội ăn uống thanh cảnh nhỏ nhẹ. Ngay cả từ cái dáng ngồi trước bàn ăn cũng rất dễ phân biệt với các vùng khác. Trò chuyện trong bữa ăn cũng hết sức nhỏ nhẹ khiêm nhường”.
Cái cách sống nhiều đời Hà Nội đã làm nên cốt cách con người ở nơi đây dù rằng luôn bị các hoàn cảnh ngoại lai trà trộn vào. Tôi tin rằng cốt cách ấy là một khái niệm bền vững. Nó chậm rãi, khoan hòa nhưng cũng không kém phần quyết liệt, bay bổng. Thực ra số người Hà Nội cũ giờ đây không còn nhiều. Hoặc dù có còn nhiều thì cũng buộc phải hòa đồng vào lối sống mới của đa số. Họ chỉ như một giọt mực rỏ xuống hồ Tây thôi, sức ảnh hưởng của họ là không nhiều. Và độ lan tỏa hình như ngày một bị thu hẹp. Chẳng sao cả. Ta vẫn có thể nhận ra họ ở những chốn xô bồ như những tấm gương để mỗi người tự soi lại mình.
Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn