Sân chơi của người yêu nghệ thuật chèo
Từ ngày 12 đến 28/10, tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam sẽ tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương (chủ yếu các đơn vị tập trung ở khu vực phía Bắc do đặc trưng của loại hình nghệ thuật này), với 27 vở diễn. Vì thế, khán giả Hà Nam sẽ có hơn 2 tuần lễ sống trong không khí của nghệ thuật chèo chuyên nghiệp với các vở diễn đặc sắc như: “Linh từ quốc mẫu” - Nhà hát Chèo Hà Nội; “Truyện ngoài chính sử - Làm Vua” - Nhà hát Chèo Ninh Bình; “Tình sử ngàn năm” - Nhà hát Chèo Quân đội; “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” - Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình…Vở “Những vì sao không tắt” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam được biểu diễn trong đêm khai mạc Liên hoan và vở diễn “Cánh diều lạc gió” của Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ biểu diễn trong đêm bế mạc, khép lại Liên hoan.
Với tiêu chí không hạn chế đề tài, Liên hoan đã tạo sự đa dạng cho các vở diễn tham dự. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Theo NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho biết, con số 16 đoàn với 27 vở diễn là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định vẫn có những hoạt động chuyện nghiệp mạnh mẽ, thông qua đó để thấy, khán giả vẫn luôn yêu thích môn nghệ thuật chèo.
Cục NTBD cho biết, việc tổ chức Liên hoan không chỉ tạo ra sân chơi cho các nghệ sĩ yêu nghệ thuật chèo mà còn để khán giả yêu mến môn nghệ thuật này nhìn nhận được rõ nét hơn nghệ thuật chèo đã có bước phát triển gì, phát huy được giá trị truyền thống hay không, kế thừa và bảo tồn trong thời đại mới như thế nào? Cũng theo NSƯT Trần Ly Ly, Liên hoan chuyên nghiệp luôn có Hội đồng nghệ thuật để bình xét những tác phẩm có nội dung tư tưởng, vừa có tính tiếp biến với xã hội nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống.
Đây cũng là dịp để chúng ta rà soát lại hướng đi của các Đoàn nghệ thuật, tìm ra những tài năng mới. “Trong thời đại 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức Liên hoan là một cách để “giữ lửa” những tinh túy văn hóa phi vật thể, và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận” - Quyền Cục trưởng Cục NTBD nhận định.
Về cơ cấu giải thưởng, Liên hoan sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng cho các vở diễn có chất lượng nội dung nghệ thuật cao, đạt các tiêu chí trong quy chế chấm giải và khen thưởng; Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng cho các cá nhân nghệ sĩ biểu diễn đạt các tiêu chí trong quy chế chấm giải và khen thưởng.
Theo kế hoạch, lễ khai mạc và bế mạc Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 sẽ được truyền hình trực tiếp trên Truyển hình Cáp Việt Nam (VTVcap), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam.