Theo chia sẻ của nhiều cần thủ ở Hà Tĩnh, câu cá lóc tuy tốn khá nhiều thời gian nhưng là một trong những thú vui tao nhã rèn luyện được tính kiên trì, nhẫn nại. Đây cũng được xem như môn thể thao giải trí, là nơi gặp gỡ bạn bè những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ. So với những người câu cá bình thường thì người câu cá lóc khá nhàn hạ, dụng cụ đi câu chỉ có chiếc túi đeo chéo nhỏ, kẹp thêm chiếc cần hai khúc, một hộp đựng mồi, một chiếc máy câu và con dao gấp nhỏ là có thể lên đường kiếm cá. Tốc độ kéo mồi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Theo kinh nghiệm của nhiều cần thủ, nếu điểm câu là điểm câu rộng rãi như thủy điện hoặc ao hồ tự nhiên, những loại cá săn mồi tại những địa điểm câu này thường sẽ cạnh tranh nhau, loài cá lóc di chuyển rất nhanh, do vậy khi câu cần thủ cần chọn tốc độ câu phù hợp để thu hút cá. "Khi câu cá lóc tại các hồ câu dịch vụ thì nên kéo con mồi chậm hoặc thật chậm, ngoài ra có thể kéo rê cho con mồi bơi theo hướng cũ khoảng 5-6 lần, như vậy con cá lóc sẽ dễ phát hiện để đuổi kịp và đớp mồi", anh Bùi Thành (TP. Hà Tĩnh) nói. Một chuyến đi câu cá lóc, người chơi phải trang bị cho mình nhiều thiết bị vật dụng quan trọng trong đó có mồi câu cá. Với xu hướng hiện nay chọn loại mồi câu cá giả đang trở nên phổ biến và thịnh hành nhằm thuận tiện hơn trong khâu chuẩn bị Theo kinh nghiệm, thời tiết đẹp nhất để câu cá lóc là những ngày sau cơn mưa dai dẵng, trời vừa hững nắng, nước dâng xâm xấp trên những cánh đồng, ao hồ, kênh rạch chính là thời điểm tốt nhất để đi câu. Cũng trong một ngày, câu vào buổi sáng sớm lúc tiết trời còn lạnh thì cá thường ít ăn, chỉ đến trưa lúc trời vừa hững nắng, thời tiết ấm lên mới là lúc cá ăn rộ. Cá lóc được nhiều cần thủ đánh giá là một trong những loại cá hung dữ, thuộc loại ăn tạp và có nhiều đặc tính khác biệt so với các loại cá thông thường. Để chinh phục loại cá này, người chơi phải cần có loại cần câu cá lóc chuyên dụng và có kinh nghiệm, kỹ năng câu cá tốt nhất. Con cá lóc lên bờ sau nhiều lần kéo rê mồi của anh Trần Quốc (TP. Hà Tĩnh). Cần thủ Nguyễn Nam (phường Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh) có thành quả sau vài đường câu. Cá Lóc thường sống ở các vùng ao hồ, đầm phá có nhiều cây cỏ rong rêu. Chúng là loài sống khoẻ và thích nghi với môi trường xung quanh rất mạnh vì ngoài cơ quan hô hấp chính là mang để hấp thu ô xy trong nước, chúng còn có cơ quan hô hấp phụ có thể hấp thu được ô xy trong không khí. Những chú cá lóc sau khi lên bờ được các cần thủ cho vào hộp kín có chứa một ít nước để cho cá có thể sống. “Câu cá lóc thì đơn giản nhưng để hiểu tập tính và khi nào đi câu khi nào không nên đi thì không phải cần thủ nào cũng biết. Cá lóc háu ăn nhưng chúng chỉ ăn vào lúc sáng sớm hay hoàng hôn, trời nắng nóng hoặc mưa gió thì không nên đi câu vì thời gian này chúng rất ít đi ăn mồi”, anh Khánh (trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) chia sẻ. Nhận thấy nhu cầu đó, nhiều dịch vụ hồ câu cá lóc đã được hình thành, trong đó dịch vụ câu cá giải trí tại hồ câu làng Thượng đang trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái ven đô và là sân chơi của những cần thủ chuyên nghiệp. Mỗi tháng anh Lê Hữu Nghĩa, chủ hồ câu Làng Thượng sẽ tổ chức giải câu cá mở rộng để các cần thủ cùng nhau tranh tài, giải đấu được tổ chức thu hút hàng chục cần thủ tham gia với nhiều thể lệ giải hấp dẫn. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) cho biết, địa phương khuyến khích tổ chức cá nhân đang thực hiện mô hình nông nghiệp du lịch ven đô. Hiện tại, địa phương đã có mô hình trồng sen và hồ dịch vụ câu cá làng Thượng đang phát triển khá hiệu quả. "Chúng tôi mong muốn đưa về môi trường sạch, tạo ra điểm nhấn để thu hút khách thập phương có thể đến du lịch tại xã Đồng Môn", ông Tuấn Anh nói.
Cẩm Kỳ