Đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD
Ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Từ báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là tới tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác.
Bên cạnh đó, theo Uỷ ban này cần đánh giá kỹ nguyên nhân của nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng; đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41%. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Kết thúc phiên ngày 7/10/2022, chứng khoán Việt Nam đã giảm 484 điểm, tương ứng 31,8% từ đỉnh (ngày 6/1/2022), là thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên ngày 10/12/2020; HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây.
"Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng"-Uỷ ban Kinh tế nêu rõ.
Đáng chú ý trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục vẫn còn khó khăn, hạn chế. Phát triển văn hoá chưa tương xứng với kinh tế. Thị trường lao động còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như chuyển dịch cơ cấu lao động chậm về cả ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; còn tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; một bộ phận lao động chưa sẵn sàng quay trở lại tham gia vào thị trường lao động. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, thiếu hụt cả số lượng và kỹ năng của người lao động. Tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác; nhiều công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục thôi việc hoặc bỏ việc gây lo ngại trong dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch Covid-19. Ngoài ra, còn những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh. Ngành giáo dục chưa khắc phục triệt để việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ; cơ sở vật chất có nơi còn thiếu, chưa đồng bộ. Chất lượng một số sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn có hạn chế. Triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chậm ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.