Văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển
Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa. Nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo "Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.
Đạo đức doanh nhân, nền tảng phát triển
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, doanh nghiệp và doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vương. Sau hơn 35 năm Đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và thu nhập thấp. Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 đã gấp 14 lần. Quy mô GDP đã tăng gấp 26 lần so với những năm đầu dồi mới. Có được kết quả to lớn đó một phần cực kỳ quan trọng là chúng ta đã khơi dậy được tinh thần và khát vọng phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt có sự nỗ lực, đóng góp hết sức to lớn của hàng triệu doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước.
Bày tỏ quan điểm về văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.
“Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn và nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng, liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp và doanh nhân. Trong hoạt động kinh doanh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp của mình và luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng. Theo đuổi lợi nhuận là mong muốn chính đáng của mọi doanh nghiệp, doanh nhân mà nhà nước, xã hội cần nhận thức rõ ràng và tôn trọng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà doanh nhân bất chấp các chuẩn mực văn hoá, đạo đức mà chạy theo những lợi ích ích kỷ trước mắt mà không cần nhắc lợi ích, sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. "Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang đào thải dần những doanh nghiệp theo đuổi thứ kinh doanh phản văn hóa, phi đạo đức; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, có trách nhiệm phát triển ngày càng lớn mạnh', ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Xây dựng văn hóa doanh nhân - "chìa khóa” phát triển
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu. Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế.
Tuy nhiên cá biệt còn có những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội. Gần đây chúng ta thấy một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia. Do vậy VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, đồng thời đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.