Lạm thu đầu năm: Trường học có phớt lờ quy định?
Lạm thu trong trường học là câu chuyện tâm điểm của dư luận trong những ngày qua. Mặc dù đã có nhiều thông tư, quy định về các khoản thu chi đầu năm nhưng vì sao điệp khúc này vẫn cứ tái diễn từ năm này qua năm khác, chưa thể giải quyết triệt để?
Lạm thu núp bóng tự nguyện?
Năm học mới diễn ra đã hơn 1 tháng qua, thế nhưng hàng loạt sự việc liên quan đến các khoản thu chi bất hợp lý vẫn liên tiếp xảy ra tại nhiều trường học, khiến dư luận bất bình.
Cách đây ít ngày, thông tin về việc Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP Hồ Chí Minh) thu phí nghỉ trưa của học sinh với mức 15.000 đồng/buổi thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, nhà trường đã xin ý kiến phụ huynh trong buổi họp đầu năm về cách làm cũng như mức phí như trên và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Nội dung này đã ghi trong biên bản họp phụ huynh học sinh đầu năm.
Chuyện của Trường THPT Marie Curie không phải là cá biệt. Hiện tượng này còn xuất hiện ở nhiều trường dưới cách này hay cách khác. Cũng vào đầu tháng 10, theo phản ánh của phụ huynh có con đang học lớp 9 của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) năm học 2022- 2023, lớp này dự kiến thu chi Quỹ cha mẹ học sinh lên đến 270 triệu đồng. Đáng chú ý, khoản chi quà cho giáo viên lên tới 58 triệu đồng.
Tương tự, ở một lớp 9 khác của trường này cũng dự kiến thu chi cho năm học này lên tới 165,2 triệu đồng với 17 hạng mục. Lớp có 52 học sinh, bình quân mỗi phụ huynh sẽ đóng gần 3,2 triệu đồng/năm cho quỹ này.
Sự việc trên chưa kịp lắng xuống thì mới đây vụ việc tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TP Hồ Chí Minh), một số phụ huynh bức xúc trước bảng dự trù kinh phí hoạt động hội phụ huynh lớp năm học 2022 - 2023 với 27 nội dung chi, trong đó có dự kiến chuyển khoản cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu 54 triệu đồng/năm.
Trước đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) thông báo phụ huynh phải đóng tổng cộng các khoản tiền cho nhà trường lên đến 7,1 triệu đồng/năm, chưa kể tiền học phí. Trong đó, theo nhiều phụ huynh có nhiều khoản thu vô lý như tiền Quỹ hội phụ huynh (500.000 đồng).
Trường THPT Tây Thạnh có 2.600 học sinh. Với tiền Quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng/học sinh thì tổng tiền thu về khoảng 1,3 tỷ đồng. Những con số nêu trên khiến không ít phụ huynh choáng váng.
Tại Hà Nội, phụ huynh có con học tại Trường THPT dân lập Văn Lang cũng phản ánh việc nhà trường yêu cầu học sinh nộp 1,5 triệu đồng/tháng tiền học phí và thêm 4,5 triệu đồng/học kì cho các khoản thu như: Phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); Quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); Quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)…
Cần xử lý nghiêm để “làm gương”
Liên tiếp các vụ việc liên quan tới lạm thu tại trường học xảy ra như giọt nước tràn ly khiến dư luận vô cùng bất bình. Trước bức xúc của dư luận, đại diện Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh đã phải gửi lời xin lỗi chân thành tới phụ huynh và cho biết đã có văn bản nghiêm khắc phê bình các hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị để xảy ra tình trạng thu phí ngoài quy định.
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học, từ cuối năm học 2021-2022, Bộ GDĐT đã gửi văn bản tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học tới. Trong đó, nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học". Bộ cũng lưu ý về việc thực hiện vận động, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định.
Từ đó, mỗi địa phương có những giải pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị, Tiền Giang… đã có những biện pháp cụ thể ngăn chặn nạn lạm thu đầu năm học.
Có điều nghịch lý là, dù ngành giáo dục, các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn cụ thể các khoản được phép thu trong nhà trường nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra và thường được núp bóng dưới cái tên gọi tự nguyện, dưới danh nghĩa xã hội hóa qua Ban đại diện cha mẹ học sinh còn nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ.
Về vấn đề này, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.
Theo GS.TS Trần Hồng Quân, đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình..
GS.TS Trần Hồng Quân nhấn mạnh, tình trạng lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để "làm gương". Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu nhà trường, giáo viên minh bạch, công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì.
Về quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh, tại buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là vấn đề nhạy cảm. Bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao còn cần cân nhắc rất thấu đáo.