Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

T.Hằng 12/10/2022 06:37

Đơn hàng sụt giảm khiến cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó, nhưng hơn hết cộng đồng doanh nghiệp sợ những “cú phanh gấp” trong chính sách. Sau những tổn thương bởi dịch Covid -19, đây là thời điểm cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ để vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ hiệu quả để phục hồi. Ảnh: Quang Vinh.

E ngại những “cú phanh gấp”

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, thông hàng và thông tiền cho nền kinh tế thị trường là hai điều kiện sống còn. Trong giai đoạn hiện nay thông tiền vẫn là câu chuyện cực kỳ khó khăn.

Theo ông Thiên, xét về cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam, thị trường trái phiếu nở rộ, tăng trưởng nóng, nhưng lại trong bối cảnh nguồn vốn bơm ra nền kinh tế, đặc biệt giải ngân đầu tư công chậm. Thứ hai là chương trình phục hồi và phát triển nguồn vốn bơm ra giải ngân cũng rất chậm. Nguồn lực được kỳ vọng lớn để phục hồi kinh tế, thay đổi diện mạo nền kinh tế sau dịch cũng ỳ ạch. Trong trường hợp này, sự bùng nổ của thị trường vốn tư nhân là rất có ý nghĩa để giúp giải tỏa cơn khát.

Thị trường tiền tệ, vốn vay ngân hàng ngắn hạn, không thể để rủi ro. Trong khi hiện nay, thị trường cổ phiếu đang có vấn đề rất nghiêm trọng. Tập trung xử lý khu vực này là yêu cầu bắt buộc và phải làm. Theo ông Thiên, điều này không phải để phục vụ lợi ích nhóm mà là "bơm máu" để tạo ra các động lực mới nhằm khôi phục nền kinh tế, nếu không sẽ đánh mất thời cơ.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nói: “Khi doanh nghiệp đói vốn thì họ không mong đợi một bữa ăn ngon, giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn thôi. Nhiều khi chúng ta nói có ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhưng khi người ta đang đói thì sẽ không đợi được. Điểm nghẽn cũng là điểm nóng của Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn". Ông Công cho rằng, trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được. Chúng ta phải rất khéo léo để giải bài toán này.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn trong vận dụng chính sách vào thực tiễn. Cụ thể, hiện doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu làm hàng gia công thì được miễn thuế nhập khẩu nhưng nếu mua hàng hóa trong nước để sản xuất xuất khẩu thì vừa nộp VAT, vừa phải chuẩn bị cả thuế nhập khẩu của loại nguyên vật liệu đó, bao giờ xuất khẩu mới được hoàn. Như vậy, trung bình doanh nghiệp phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Trong 2 tháng (tháng 7 và tháng 8), tăng trưởng tín dụng chỉ tăng bình quân 0,3%/tháng, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó nên đã có hiện tượng có đơn hàng FOB mà phải chấp nhận làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu. Điều này làm cho một loạt các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước không có cơ hội có đơn hàng, không tăng được giá trị gia tăng.

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Trong thời gian tới dự báo thách thức của các doanh nghiệp còn rất lớn, chẳng hạn như phải có đủ nhân lực để đáp ứng các đơn hàng, nắm bắt được các cơ hội đã mở ra từ thị trường toàn cầu, nhưng điểm nghẽn trong hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn đó.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đơn hàng hiện nay có nguy cơ giảm trong khi đơn hàng là điểm sống còn của doanh nghiệp nên cần hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều về vấn đề này. Hơn nữa, các doanh nghiệp hiện nay rất khát vốn, nhưng bài toàn đặt ra là có nên tiếp tục bơm vốn không trong khi lạm phát cũng là nguy cơ thường trực, lãi suất thế giới cao ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái từ đó tác động đến xuất nhập khẩu.

Nói về vấn đề này, ông Hồ Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC cho rằng, nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất lớn nên cần khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền. Ông Tùng cho biết, với nhiều doanh nghiệp năng lực về quản trị, năng lực về chuyển đổi số, năng lực về thông tin và trình bày kế hoạch yếu nên họ rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Vì thế, theo các chuyên gia, để giúp doanh nghiệp phục hồi, ngân hàng về các doanh nghiệp phải "thông mạch" với nhau. Các cơ quan quản lý cũng phải “thông mạch” với các doanh nghiệp để tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường vốn. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp vừa được ban hành là một nỗ lực theo tinh thần khai thông thị trường vốn, nhưng cần thực hiện hiệu quả để vừa an toàn, vừa thỏa mãn “cơn khát” vốn.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị là cần coi đại dịch vừa qua và giai đoạn phục hồi này là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp bật lên thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần coi trọng, quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, bởi chính chữ tín sẽ tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm.

“Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được. Chúng ta phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này. Giai đoạn Covid-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó, nhưng tôi cho rằng sắp tới đây, giải bài toán này không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt hơn” - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

T.Hằng