Xung lực nào 'tạo sóng' cho thị trường BĐS cuối năm 2022?

PV 12/10/2022 11:00

Bức tranh thị trường bất động sản cuối năm 2022 được nhận định có gam màu sáng hơn so với nửa đầu năm. Thị trường có thêm những xung lực mới giúp một số phân khúc bất động sản khởi sắc.

Năm 2022 được ví như một năm “bản lề” mở ra giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động bởi dịch Covid–19. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung và “siết” van tín dụng đã tạo nút thắt khiến cho thị trường tưởng chừng như chững lại. Nhưng ở thời điểm bắt đầu nửa cuối năm, các chuyên gia đánh giá thị trường BĐS có nhiều triển vọng nhờ cú hích từ đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy, sự chênh lệch cung – cầu vẫn còn lớn…

Xung lực nào “tạo sóng” cho thị trường BĐS cuối năm 2022?
Xung lực nào “tạo sóng” cho thị trường BĐS cuối năm 2022?

Lực đẩy mạnh từ đầu tư cơ sở hạ tầng

Có thể thấy, thời gian qua hàng loạt các thông tin về quy hoạch được công bố rầm rộ từ hệ thống cao tốc miền Tây đến sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển, nâng cấp các đô thị,… đã tạo sức bật lớn cho thị trường BĐS toàn quốc. Mặc dù ngay sau đó, hàng loạt địa phương đã vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo trên thị trường, xây dựng bình ổn giá đất khiến cho cục diện giảm nhiệt, thế nhưng không thể phủ nhận xung lực mạnh mẽ từ yếu tố này, đặc biệt là phân khúc đất nền.

Minh chứng cho điều này, dữ liệu từ batdongsan.com.vn mới đây cho thấy dù thị trường đất nền toàn quốc trong quý 2/2022 ghi nhận mức độ quan tâm ước tính giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý 2/2019 - thời kỳ trước dịch Covid-19. Điều đáng nói, mặc dù mức độ quan tâm giảm thế nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá năm 2021.

Quy luật chung của thị trường là tiềm năng tăng giá sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và quy hoạch hạ tầng. Nhận định về bối cảnh thị trường BĐS những tháng cuối năm 2022, giới chuyên gia cho rằng các cơn sốt đất có thể sẽ tiếp diễn, đặc biệt là các khu vực vùng ven các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh.

“Cú hích” từ đầu tư công

Thời gian tới, thị trường BĐS tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, ước tính giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 – 2020.

Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở. Việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô sẽ tạo động lực lớn giúp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh cuối năm 2022 và những năm sau đó.

Cùng với đó, các chính sách tài khóa như: miễn giảm thuế từ 10% xuống còn 8%, gia hạn nhiều loại thuế, phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… cũng tạo nên những xung lực mạnh mẽ, góp phần khơi thông kinh tế, tạo nhiều lực hấp dẫn thu hút đầu tư mới.

Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2022 cũng được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thay đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Sự chênh lệch cung – cầu lớn

Quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm là yếu tố khiến cho BĐS thiếu hụt nguồn cung. Báo cáo từ các địa phương gửi về Bộ Xây dựng cho thấy số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm dần qua các năm.

Tính đến 6 tháng đầu năm nay, lượng cung nhà ở thương mại rất hạn chế với khoảng 12.000 căn. Trong khi đó, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhất là đất nền tăng mạnh (ước tính khoảng 70.000 giao dịch thành công). Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở và đầu tư BĐS của người dân vẫn rất lớn.

Mặt khác, sau 2 năm dịch bệnh, khi các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm trải qua nhiều diễn biến thăng trầm thì BĐS vẫn được nhiều người tin tưởng là kênh giữ tiền, tránh lạm phát và giữ giá tốt nhất. Nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tích trữ BĐS để tăng giá trị tài sản trong đó đất nền là phân khúc được lựa chọn hàng đầu do tâm lý “tấc đất tấc vàng”, quỹ đất có hạn trong khi nhu cầu nhà ở con người là vô hạn.

Chưa kể, làn sóng đô thị hóa lan rộng ra các tỉnh vùng ven cùng lực đẩy của BĐS công nghiệp khiến nhu cầu đầu tư ngày càng gia tăng. Nhiều khu vực ven đô với lợi thế về công nghiệp nhanh chóng trở thành “vùng trũng” đầu tư BĐS như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam…

Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, mặt bằng giá BĐS tăng, lựa chọn sở hữu BĐS trong giai đoạn “bản lề” không chỉ tận dụng được những lợi thế về tài chính, bảo toàn tài sản trước nguy cơ lạm phát mà còn có khả năng gia tăng lợi nhuận.

PV