TP HCM đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Chiều ngày 12/10, trả lời các câu hỏi của phóng viên về nguồn cung xăng dầu hiện nay, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố đang trong giai đoạn khó khăn, đỉnh điểm là 137 cửa hàng không đủ xăng phục vụ người dân.
Nhiều cửa hàng báo hết xăng, áp lực đè nặng lên Petrolimex Sài Gòn
Ông Đào Văn Hùng – Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex Sài Gòn) cho hay, những ngày cao điểm vừa qua áp lực lên các cửa hàng xăn dầu Petrolimex lên đến 200%.
Theo ông Đào Văn Hùng, 9 tháng đầu năm, bình quân một ngày đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 1.500m3/ngày. Thế nhưng từ đầu tháng 10 một số cửa hàng tạm ngưng hoạt động nhiều gây áp lực lớn. Cụ thể từ ngày 10/10, sản lượng tăng lên 3.100m3, tức là tăng lên 200%.
Nhiều cửa hàng xăng khác không bán nên tâm lý khách hàng dồn về các cửa hàng xăng Petrolimex. Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, cơ quan chức năng hỗ trợ đơn vị cho lưu thông xe bồn cả trong giờ cao điểm nhằm xuất hàng ban đêm. Bình thường chỉ có khoảng 80 phương tiện nhận hàng, nhưng thời điểm đó đã tăng lên 160 xe.
Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh lúc 15 giờ ngày 11/10, khách hàng vẫn xếp hàng rất đông để mua xăng tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Tuy nhiên, nhìn chung áp lực giảm đáng kể.
Hiện nay áp lực tiêu thụ xăng dầu lên hệ thống khoảng 135% so với bình thường, tuy nhiên đơn vị vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. “Hy vọng 1 - 2 ngày tới thị trường trở lại bình thường thông qua nhiều giải pháp như: đẩy nhanh nhập khẩu, kéo dài thời gian xuất đêm”, ông Đào Văn Hùng nói.
Ông Đào Xuân Hùng khẳng định: “Lượng tồn kho của Petrolimex hiện nay trên 300.000 m3, mấy ngày sắp tới hàng sẽ về thêm 100.000 m3 nữa. Như vậy, nguồn cung trở lại bình thường và áp lực 135% thì chúng tôi vẫn đảm bảo đáp ứng đủ"
Nói về tình trạng “nóng” xăng dầu trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM cho rằng, sau thời điểm tăng giá thì hoạt động kinh doanh khác với ngày trước. Trong ngày 12/10 việc người dân xếp hàng để mua xăng dầu đã “giảm nhiệt”.
Trước đó, trong ba ngày 10, 11, 12/10, các cửa hàng cơ bản đã nhập hàng trở lại. Ví dụ, ngày 10/10 có khoảng 7,4% số cửa hàng nhập xăng dầu, ngày 11/10 là 39,4%, ngày 12/10 con số này lên đến 67,8%.
“Tỷ lệ cửa hàng nghỉ trên tổng số cửa hàng dao động từ 20 – 25%, có thời điểm thấp hơn và ngày càng dịu đi nên đây là tín hiệu tốt”, ông Đạt dẫn chứng.
Nguồn cung xăng dầu tại TP HCM đang trong giai đoạn khó khăn
Chiều ngày 12/10, trả lời các câu hỏi của phóng viên về nguồn cung xăng dầu hiện nay, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố đang trong giai đoạn khó khăn, đỉnh điểm là 137/550 cửa hàng không đủ xăng phục vụ người dân.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho tình hình này xảy ra. Thứ nhất là do các kho xăng của nhà phân phối còn nhưng gặp khó khi vận chuyển về cửa hàng bán lẻ. Thứ hai, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kinh doanh khó khăn do nhập hàng giá cao…
“Khi xảy ra tình trạng các cửa hàng đồng loạt đóng cửa khiến người dân vất vả khi đổ xăng, thành phố đã kêu gọi các doanh nghiệp phân phối lớn là: Xăng dầu Quân đội, PV Oil và Petrolimex Saigon… cùng cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, các xe bồn chở xăng được hỗ trợ chạy xoay vòng liên tục để bơm xăng về các khu vực hết xăng… Nhờ vậy mà hiện nay tình hình nguôn cung xăng dầu đang dịu xuống và dần đi vào ổn định cho tới kỳ điều hành giá xăng sắp tới.
Quan ngại về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn, ngày 11/10, UBND TP HCM đã có chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý.
Các doanh nghiệp bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chia sẻ với những khó khăn của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian qua.
Ngoài ra, bà Phan Thị Thắng còn giao Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường thành phố giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Trong đó, đảm bảo việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP HCM khi có tình huống phát sinh.