Quảng Ninh: Thực hiện 7 cam kết nhằm thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn đã cam kết thực hiện 7 nội dung nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh.
Phát biểu tại Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp lần thứ hai năm 2022 vào chiều 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn đưa ra cam kết về 7 giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Các giải pháp được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra là:
Hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, công khai, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tập trung triển khai quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược.
Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về “mặt bằng sạch”, quỹ đất sạch với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải...) đến chân hàng rào dự án; đảm bảo nguồn cung điện, nước, viễn thông đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư với tiêu chí cao nhất, nhất là các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, yêu cầu khắt khe về nguồn điện và hạ tầng thông tin.
Chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho các dự án đầu tư.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thành lập.
Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh an toàn cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh và sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh có 1.909 đơn vị thành lập mới (có 1310 doanh nghiệp và 599 đơn vị phụ thuộc), tăng 20% cùng kỳ với số vốn đăng ký 16.825 tỷ đồng. Có 899 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đã đóng góp ngân sách nhà nước trên 25.190 tỷ đồng, đạt 118% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đóng góp trên 10.955 tỷ đồng, đạt 109% so với cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp trên 3.480 tỷ đồng, đạt 100% so với cùng kỳ; Khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 1.270 tỷ đồng, đạt 113% so với cùng kỳ 2021; Còn lại là các nguồn thu từ doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh về phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp..
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp thành lập mới thu hút 8.844 lao động. Trong đó lĩnh vực ngành nghề giải quyết được nhiều lao động nhất: Bán buôn bán lẻ (2.058 lao động, chiếm 34%); Công nghiệp chế biến chế tạo (1.701 lao động, chiếm 19,7%); Xây dựng (1.044 lao động, chiếm 12%).
Thu nhập của người lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần vốn góp chi phối nhà nước đạt 13 triệu đồng/người/tháng (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021); Khu vực doanh nghiệp dân doanh: 6,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021); Khu vực doanh nghiệp FDI: 7,5 triệu đồng/người/tháng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021).